Ấn bản

Lời tựa

01 - 02

03 - 04

05 - 06

07 - 08

09 - 10

11 - 12

13 - 14

15 - 16

17 - 18

19 - 20

>>>

  

 

 

XV

 

            Paris. Đêm Ba Mươi Tết, đi làm về, từ trên xe buýt bước xuống đi bộ thêm trăm bước nữa là đến nhà, tôi bỗng nhìn thấy trước thềm một quán rượu đã đóng cửa, một cậu trai độ 16, 17 tuổi đang ngồi ôm mặt khóc nức nở. Giữa đường khuya, tuyết rơi như bông gòn trắng xóa, xe cộ thưa thớt, sự kiện một thiếu niên người Á Châu ngồi khóc đã làm tôi tò mò. Sự xúc động càng lớn hơn khi nhận ra lại là một người nói cùng ngôn ngữ với tôi. Tôi bèn ngồi ghé cạnh bên cậu trước thềm quán rượu, mặc cho những hạt tuyết tới tấp rơi trên đầu trên tóc. Cậu bé vẫn ngồi khóc, tôi vẫn kiên nhẫn hỏi han duyên cớ. Mãi sau, vừa úp mặt vào chiếc khăn quàng cổ, cậu vừa nói: “Em nhớ nhà quá chị ơi! Em nhớ mẹ em. Mẹ em chỉ có mỗi mình em. Bố em chết từ khi em còn nhỏ. Bà sợ em bị bắt đi nghĩa vụ quân sự nên gửi em vượt biên với gia đình một người hàng xóm. Em qua đây khi mới mười hai tuổi. Hồi đó còn nhỏ chưa biết nhớ, bây giờ lớn, chịu không nổi với sự cô đơn của đêm Ba Mươi.”

            Cậu bé dùng một thứ ngôn ngữ nửa Tây nửa Việt để nói với tôi. Rồi lại khóc nức nở. Tự dưng, tôi cũng thấy đôi mắt mình cay cay giọt lệ. Tôi mời cậu về nhà nhưng cậu từ chối. Vì vậy, tôi ngồi lại một lúc với cậu trước thềm quán rượu, lắng nghe cậu kể những câu chuyện về việc làm và đời sống hiện tại.

            Sau khi đã bình tĩnh hẳn, cậu đứng lên chào tôi, thốt lời cảm ơn, rồi nói: “Giá bây giờ được trở về Việt Nam mà có bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, em cũng không sợ. Em chỉ thèm gặp lại gia đình, thèm được đặt chân lên vùng đất quê em mà thôi.”

            Cậu thêm: “Quê em ở Dalat.”

            Xong, đón xe buýt trở về.

            Câu chuyện một thiếu niên Việt Nam ngồi khóc giữa đường phố đêm Ba Mươi Tết nơi xứ người đã đeo đuổi ám ảnh tôi suốt mấy ngày sau đó. Quê hương là điều mà bất cứ ai cũng không thể khước từ ra khỏi tấm lòng thuần túy. Ở đây, tôi đã gặp nhiều người Việt Nam già cả bày tỏ tình cảm nhớ nhung quê cũ, nhưng lại chưa thấy sự biểu lộ của một người trẻ nào chân thành và nồng nàn như của cậu bé gặp đêm Ba Mươi.

            Có một câu hỏi cậu đưa ra cứ làm cho tôi suy nghĩ: “Tại sao bỗng dưng mà mình mất quê hương vậy chị?” Khi ấy, tôi không biết trả lời sao với cậu. Trong một lúc không thể trình bày cho hết được sự việc của một lịch sử đã trải qua hàng trăm năm.

            Khi vừa lớn, mỗi lần có dịp đi ngang Phan Rang hay các vùng miền Trung nước Việt, nhìn thấy các người Chiêm Thành lang thang lếch thếch, tôi không khỏi se lòng tội nghiệp. Sự buồn rầu trên khuôn mặt họ luôn luôn tạo cho tôi cảm nghĩ xót xa theo hình ảnh một loài chim cuốc... Mười mấy năm sau, tôi cũng đeo mang cái định mệnh của những người Chiêm Thành mất nước. Và câu hỏi: “Tại sao mình mất quê hương” như cậu bé đã đặt ra trong đêm Ba Mươi Tết lại cũng chính là câu mà tôi đã từng hỏi với lòng riêng.

 

 

            An Lộc (Bình Long), tỉnh Sông Bé, tháng 1/1980.

            Theo sự phân phối của Phòng Nghệ Thuật Sân Khấu, chúng tôi phải đến biểu diễn một tuần lễ ở An Lộc trước khi trở về Sàigòn trong dịp Tết Nguyên Đán.

            Từ Sàigòn, chiếc xe đoàn vượt qua khỏi cầu Bình Triệu thẳng tiến trên quốc lộ 13 dẫn đến các vùng Lái Thiêu, Bình Nhâm, Búng và Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ của tỉnh Sông Bé. Từ đây, chiếc xe đoàn đi thẳng qua các huyện Bến Cát, Bầu Bàng, Chơn Thành, rồi dừng bến tại xã An Lộc thuộc huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé.

            Thị xã buồn tênh chứa đầy bụi bặm, nơi đã diễn ra những trận đánh kinh hoàng máu lửa, ngày nay tưởng như trong không gian, cái hơi tang tóc ghê người vẫn còn quấn quýt. Gió lạnh phất phơ. Dư âm của mùa hè 1972 khiến lòng tôi chùng xuống. Một mùa hè khác với tất cả mọi mùa hè. Mùa hè của lịch sử thiên thu. Mùa hè đầy nước mắt của biết bao gia đình đau khổ. Và mùa hè 72, tôi bỗng dưng biến thành góa phụ khi xuân đời vẫn còn tươi thắm!

            ……

            Lần đầu đến An Lộc (lần đi trước của đoàn, tôi vắng mặt vì bệnh), vậy mà cái địa danh lừng lẫy này sao như thật gần gũi, đi luôn vào giấc ngủ tôi những hình ảnh kinh hãi. Một đêm, trong hội trường Phòng Thông Tin Văn Hóa quận –nơi trú của đoàn- tôi mơ thấy có người cầm chéo mùng giật tung rồi la lớn: “Dậy đi! Dậy đi! Ngoài kia người ta đang đánh nhau tơi bời mà cô còn nằm đây ngủ được sao?” Buổi sáng kế tiếp, trong cuộc cà-phê có cả sự hiện diện của người cán bộ quản lý phòng Thông Tin Văn Hóa quận, tôi kể lại giấc mơ này cho nhóm bạn nghe. Người quản lý xác nhận rằng vùng này nổi tiếng nhiều ma; đặc biệt là chính ngay khu hội trường, ngày xưa trong mùa hè đỏ lửa 1972, người ta đã kéo vô số xác chết về chất tại đây, chờ thân nhân đến nhận diện, mỗi đêm ma vẫn thường hiện về quấy phá…

            Một tuần lễ ở An Lộc, sự tưởng tượng lan man làm tôi khó ngủ. Những bóng ma vất vưởng trở về, không còn thù hằn, gây hấn với nhau. Những bóng ma nhảy múa chập chờn, giải khăn xô tung lên trong gió. Những bóng ma ngồi bên nhau luận bàn thế sự, thương xót cho thế giới con người cứ mãi đắm chìm trong chinh chiến vì những tham vọng tàn bạo. Và những bóng ma lưu luyến trần gian, trong đêm đen còn dõi mắt tìm một bóng hình nào đã ngàn đời xa cách.

            Cứ vậy, điệu cười hoan lạc và tiếng rền rỉ đau thương vang rần trong trí tưởng tượng, hành hạ các giấc ngủ của tôi trong suốt một tuần lễ.

            “Bình Long anh dũng, An Lộc kiêu hùng...” như vẫn được ca tụng trong các bài hát của thời 1972, ngày nay thực sự chỉ là một vùng đất tiêu điều xơ xác. Các cội cao su buồn bã cúi đầu, rỉ ra những giọt máu màu trắng dưới nhát dao vô tình của người thợ. Giòng suối nhỏ nơi mép bìa rừng âm thầm bò lên trên từng phiến đá. Không gian như vẫn bao trùm trong cái mùi chết chóc; và thời gian không buồn nhìn lại những chứng tích hoang liêu.

            Một tuần lễ ở An Lộc, tiết trời bỗng dưng lạnh buốt. Đôi vai tôi thường so lại mỗi lần cơn gió thoảng qua. Ôi! Những con gió mùa đông hắt hiu rét mướt! Những cơn gió đậu lại trên các ngọn cây, rung lên cái âm thanh ai oán như một điệu ru não nùng cho giấc ngủ ngàn đời của các linh hồn oan thác tại đây.

            []

 

Bài 15