Ấn bản

Lời tựa

01 - 02

03 - 04

05 - 06

07 - 08

09 - 10

11 - 12

13 - 14

15 - 16

17 - 18

19 - 20

>>>

 

 

 

IX

 

            Paris. Mỗi khuya từ quán café trở về tôi đều nhìn thấy một người đàn ông đang lui cui trước khoảnh đất trống phía bên kia đường, đối diện ngôi nhà tôi ở. Nơi đây là mặt sau của một nhà hàng Ả Rập, có đặt những thùng rác lớn. Giữa khuya, dưới ánh đèn đường vàng úa, trong một không gian tĩnh lặng, hình ảnh người đàn ông trên vai vác chiếc bao bố, nơi tay cầm thanh sắt dài bươi móc các thùng rác, trông sao thật buồn thảm cô đơn. “Một bộ mặt khác của Paris” mà mỗi đêm tôi được chứng kiến. Mùa hè trời hiu hiu mát hay mùa đông lạnh căm buốt giá, tôi đều nhìn thấy người đàn ông làm cái công việc moi tìm ấy. Mãi rồi, đâm quen, đêm nào không gặp ông khi trở về ngang đó là tôi lại nghe như thiếu thiếu nỗi gì.

            Một bữa, đánh bạo, tôi dừng lại chuyện trò cùng ông. Dưới ánh sáng nhạt nhòa của ngọn đèn đường, tôi nhận ra đó là một người Pháp đã trọng tuổi, mái tóc bạc phơ rũ xòa trước trán, bộ dáng nghèo nàn bẩn thỉu. Nhìn thấy tôi –người mỗi đêm vẫn nhìn sang ông một giây trong khi tra chìa vào ổ khóa-, ông khẽ cất tiếng chào. Trong câu chuyện, ông cứ lập đi lập lại nhiều lần câu nói: “Cuộc đời sao buồn bã quá!”

            Tuy nhiên, khi biết tôi đến từ nước Việt Nam, ông lại kêu: “Ồ mà không! Sự buồn bã phải để cho cô nói mới đúng! Dù sao tôi cũng vẫn may mắn hơn là đang còn có một quê hương.”

            Tôi gật đầu cảm ơn ông về ý nghĩ ấy; tuy nhiên không khỏi kinh ngạc vì bộ dáng bề ngoài của ông không khiến tôi đợi chờ điều ông vừa nhận thức. (Ở đây, tôi từng gặp nhiều người Pháp chẳng hề biết trên quả địa cầu, nước Việt Nam là ở đâu!)

            Hỏi về gia cảnh, ông cho biết đã bị đứa con trai độc nhất vì nghe theo lời vợ mà sang đoạt tất cả cửa nhà ông tạo ra trong biết bao năm ròng rã. Rồi ông kết luận: “Nó còn trẻ, nó sẽ còn gặp nhiều đắng cay trong cuộc sống. Nó sẽ hiểu rằng việc làm của nó đối với tôi là không phải đạo làm người chút nào. Dẫu vậy, đã từ lâu, tôi tha thứ hết mọi điều cho nó, bởi tôi tin có ngày rồi nó cũng phải đối diện với lương tâm riêng.”

            Và ông nói: “Cũng như cô, cô còn rất trẻ. Quê hương cô đã bị xóa tên trên bảng đồ thế giới. Đó là một bất hạnh lớn. nhưng quê hương được biểu lộ cách này cách khác, làm sao mất được ngay giữa tâm hồn mỗi người.”

            Tôi cảm kích theo những lời này, càng nhiều hơn khi biết ông đã từng là một giáo sư dạy về sử địa.

            Từ đó, ông trở thành bạn của tôi, một người bạn già đáng bậc cha, chú. Người bạn ngủ gầm cầu sông Seine hay ga xe lửa mà không phải là trên chăn êm nệm ấm. Người bạn mỗi đêm tôi vẫn gặp và chuyện trò dăm phút giữa đường khuya lạnh vắng, trước những thùng rác lớn. Người bạn đã một cách vô tình, dạy cho tôi biết thế nào là sự tha thứ trong tấm lòng của một người cha và thế nào là tình yêu quê hương.

 

 

            Tháng 6/1979. Lưu diễn Cà Mau, tỉnh Minh Hải.

            Minh Hải là tỉnh cực nam của nước Việt Nam, bắc giáp hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang; đông, tây và nam đều là biển. Tỉnh Minh Hải có hình ba cạnh, chỏm là mũi Cà Mau, được thành lập bởi hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cũ gom chung lại. Thời nhà Nguyễn, thế kỷ 18, Cà Mau có tên là huyện Long Xuyên, thuộc tỉnh Hà Tiên. Bạc Liêu thì thuộc phủ Bãi Xàu, tỉnh An Giang.

            Năm 1876, thực dân Pháp phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành bốn khu vực hành chánh lớn: Sàigòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bassac. Mỗi khu vực bao gồm nhiều tiểu khu, trong đó chưa có tên Cà Mau và Bạc Liêu. Năm 1899, Pháp đổi tên gọi tiểu khu thành tỉnh và phân chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh. Bạc Liêu lúc này thành một tỉnh riêng. Còn Cà Mau thì vẫn nằm trong tỉnh Rạch Giá.

            Kể từ sau 1975, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nhập lại làm một thành tỉnh Minh Hải.

            .. .. ..

            Đoàn đi thẳng xuống Cà Mau, mở đầu chuyến lưu diễn miền Tây, hát ra mắt tuồng mới.

            Đường đi miền Tây phải qua bắc Mỹ Thuận, bến phà lớn và mấu chốt nhất của miền Nam. Đó cũng là lối đi về các tỉnh Cửu Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải. Do bởi khối lượng người và xe cộ đông nên phải có nhiều phà, mỗi cái phà là một chiếc tàu thủy thật sự. Mỗi lần qua bắc, xe cộ nối đuôi hàng dài và khách phải xuống đi bộ lên phà. Hai bên bờ phà bày bán đủ thứ hàng ăn và trái cây, thóc gạo, hoa quả. Mùa nào trái nấy. Mùa xoài, trên phà là cả một “núi” trái xoài. Đắt có, rẻ có, chân có, giả có, không biết thế nào mà lường cho được.

            Có một hình ảnh tôi vẫn nhìn thấy trên chiếc phà qua bắc Mỹ Thuận. Một vũ nữ nhan sắc một thời, bây giờ chỉ còn là người hành khách tàn phế, khuôn mặt méo mó ghê rợn vì những giọt acide phát xuất từ lòng ghen gần 20 năm cũ(1). Tôi chưa bao giờ dám nhìn thẳng khuôn mặt đáng thương ấy, nhưng cứ mỗi lần qua bến bắc là mỗi lần nghĩ về hai chữ Định Mệnh hằn lên trên trán người vũ nữ năm xưa.

            Thời gian như nước chảy qua cầu, cuốn trôi đi hết mọi rác rến của dĩ vãng. Thời gian có lẽ đã làm tan biến đi những hối hận dày vò nào đó trong tâm hồn người đàn bà gây ra tội ác? Thời gian chắc hẳn cũng không để lại chút xót xa nào trong ký ức kẻ tình nhân xưa? Nhưng thời gian sao mãi còn hằn trên khuôn mặt tàn phế kia những nét đau khổ tận cùng?

            Cổ kim hận sự thiên nan vấn

            Phong vận kỳ oan ngã tự cư (2)

            (Xưa nay những việc đáng hận khó mà hỏi Trời

            Ta cũng ở trong vòng oan khiên phong nhã ấy.)

            Và, mối hận trong tim người vũ nữ, biết có phai nhạt chút nào theo với thời gian không?

            .. .. ..

            Con đường từ Sàigòn xuống Cà Mau phải đi gần hết một ngày xe đò. Ai nấy bơ phờ, mặt mày đầy bụi. Đêm hát được bắt đầu ngay và khán giả thật đông, chẳng bù với những ngày Sàigòn gió mưa ế ẩm.

            Cà Mau là thị xã tuy ở giữa một đồng bằng còn lầy lội, có nhiều rừng và đầm sình lầy, nhưng lại là vùng trù phú với hai nguồn lợi chính là gạo thóc và tôm cá. Vì vậy, mức sống của người dân địa phương cũng được dễ chịu hơn caá nơi khác. Nơi đây, sinh hoạt giải trí sau 1975 rất cao so với mọi vùng đồng quê. Dẫn từ chợ Cà Mau qua đến rạp hát Hương Tràm xuống dãy phố chính là cả một dọc dài các hàng quán ăn uống, bắt đầu từ 3, 4 giờ chiều cho đến suốt gần sáng. Cái cảnh nhộn nhịp về đêm tại trung tâm thị xã Cà Mau khác biệt quá với những thành phố chết tôi đã từng đi đến, khiến tôi có cảm tưởng rằng cái mũi tận cùng của giải đất hình chữ S đã không bị ảnh hưởng gì bởi biến cố 1975.

            Vậy mà trong những ngày Cà Mau, tôi đã không có nhiều dịp để tận hưởng cái cảm giác thanh bình ấy. Một câu chuyện bất hòa xảy ra giữa tôi với người đàn bà hống hách, vợ của một diễn viên hạng nhất. Câu chuyện trầm trọng đến độ ban quản trị phải quy tụ ngay một cuộc họp đoàn bất thường.

            Trong buổi hội, sau những lời đối đáp giữa tôi với người đàn bà cùng vị ủy viên chính trị –một cán bộ Cộng Sản-, đã có hơn 100 người, đa số là công nhân, biểu quyết bằng cách giơ tay rằng tôi không có lỗi gì cả. Dầu vậy, tôi vẫn là người bị buộc phải xin lỗi.

            Giữa buổi hội đoàn, tôi nghĩ nhanh đến những luật lệ khó khăn mà chế độ đang dần bóp xiết người dân vào trong một guồng máy sắt đá, đến công việc làm hiện tại là một điều kiện để gia đình khỏi bị đẩy đi vùng kinh tế mới... rồi ngần ngừ một giây, tôi ngỏ lời xin lỗi đối phương. Tiếng vỗ tay của 120 người rào rào vang lên, trong khi tôi chợt nhận thức buổi hội giống như một môi trường để mọi người tranh giành chỗ đứng, và nếu muốn sống yên được trong tập thể, điều đầu tiên cần làm là phải chối bỏ những cái thực trong cá chất riêng mình.

            Sau buổi hội, ông phó đoàn, một vị đã già và là soạn giả nổi tiếng từ trước 75, rất có cảm tình với tổ Tân Nhạc, đến tìm tôi an ủi: “Xã hội cải lương là như vậy cả con à. Cái trò phủ bênh phủ, huyện bênh huyện sẽ không bao giờ chấm dứt đâu.”

            []

 

 

            Paris. Một câu chuyện xẩy ra trong quán café, nơi tôi đang làm việc, giữa hai thanh niên Việt Nam và ba người Pháp cao lớn, để rồi đưa đến ẩu đả, ly tách bể nát và cảnh sát phải được mời tới. Một người Pháp được đưa vào bệnh viện. Bốn người còn lại, tay bị còng, dẫn đi.

            Những xung đột thế này không phải là ít đối với người Việt tại đây. Xung đột với người bản xứ vì những dị biệt đã đành, lại còn xung đột luôn với cả những người đến cùng xứ sở. Vấn đề chính trị không những là nguyên nhân được đặt lên hàng đầu, mà nhiều khi chẳng có chút chính trị nào dự phần cũng trở thành xung đột.

            Một người bạn tôi đã nói: “Mỗi người đàn ông Việt Nam ở đây giống như một cái lò thuốc súng.”

            Điều đó có phần đúng. Một lò thuốc súng dù để nguội lâu chừng nào mà khi có một mồi lửa chạm vào cũng dễ dàng đốt cháy mọi cái gì chung quanh nó. Mối hờn vong quốc là đầu mối cho những bất thường xảy ra trong tâm hồn người Việt, và sự bất thường này được biểu lộ bằng nhiều cách. Hoặc câm lặng rồi trở thành điên đảo. Hoặc nóng giận quá độ để cũng bị nhìn như một kẻ điên.

            Tuy nhiên, giống như Zhivago đã nói với Lara trong tác phẩm của Boris Pasternak: “Chúng ta hãy điên đi khi mà chúng ta chẳng còn gì ngoài những nỗi điên trong tâm khảm”; thì dù điên nhiều, điên lai rai đến như không điên và không điên cũng là một hình thức điên dữ dội, tất cả đều là những lối thoát nào đó trong tâm hồn người Việt lưu vong.

 

 

            Giữa tháng 6/1979. Lưu diễn Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải.

            Trong cuộc rượu một đêm sau khi tan hát, tôi ngồi tranh luận với người bạn chơi guitare basse đã lớn tuổi, về vấn đề bất công trong xã hội. Người bạn không chấp nhận những ý nghĩ của tôi, nhân danh kinh nghiệm già dặn mà bảo rằng chẳng ích lợi gì nếu tôi nói lên tiếng nói bênh vực quyền lợi những người yếu thế. Rồi anh thêm, đến một tuổi nào đó, tôi sẽ phải nhận rằng mình chẳng làm được gì và những bất công trong xã hội sẽ cứ còn nguyên tình trạng cũ. Vậy thì hãy cứ nên nhắm mắt ngơ tai, nhận lấy cái tốt cũng như cái xấu một cách dửng dưng là hơn.

            Tôi thì không nghĩ như anh, không đồng ý với anh về thái độ dửng dưng ích kỷ ấy trước mọi sự trong cuộc đời, mà điển hình gần nhất là đoàn hát với đầy dẫy bất công đổ lên đầu đám công nhân thấp kém. Tôi biện luận, sống tức là phải có trách nhiệm với chính mình và với những gì chung quanh, từ cá nhân, gia đình cho tới xã hội. Thì sự xấu xa hay tốt đẹp của cuộc đời, một phần nhỏ nào đó chính tôi (hay anh) cũng đã dự phần trách nhiệm.

            Anh không nhận, bảo rằng hành động phẫn nộ ví như nước chảy qua cầu, chẳng ích lợi gì, mà nhiều khi còn đem cho mình biết bao phiền nhiễu.

            Tôi cười, một con nước thật chẳng là gì, nhưng trăm ngàn con nước cùng xuôi về một đòng, có thể làm nên lụt lội, cuốn trôi đi tất cả những cái gì kiên cố nhất. “Những cái gì đó” được ví như những xấu xa của cuộc đời.

            Nhiều khi cái vòng cơm áo giam hãm mọi chí lớn, làm cho con người trở nên ù lì và chỉ nghĩ đến cá nhân ích kỷ. Tôi hiểu điều này, nhưng cũng biết rằng cho đến chết, tôi vẫn không thể nào đóng được vai trò một người khách lạ nhìn cuộc đời một cách dửng dưng!

            []

 

 

            Paris. Từ lâu, tôi vẫn có ý định đi Mỹ. Cuộc sống ở Paris ngày càng trở nên khó khăn. Tiền lương làm việc ở quán café cộng thêm tiền cát-sê mỗi lần thu thanh hay trình diễn với ban nhạc Daniel chỉ vừa đủ cho ba mẹ con, bà cháu thuê một căn phố hai phòng và trang trải mọi thứ cần thiết. Ngoài ra là hết. Lại nữa, Paris quá lạnh, không hạp cho sức khỏe tồi tệ của tôi. Vì vậy, cái ý định đi Mỹ càng được nghĩ đến nhiều hơn với sự khuyến khích của một người bạn đang ở New York. Trong một bức thư, người bạn đã viết: “Dù ở đâu thì cũng vẫn chỉ là quê người đất khách. Nên thôi, hãy tìm đến nơi nào dễ sống cho mình là hơn.”

            Cái hướng “vượt biên” một lần nữa lại được vạch ra. Lần thứ ba “bắt đầu cuộc đời” không phải là không có những e ngại hay buồn bã. Sự bắt đầu không giống như thuở đôi mươi dấn thân với tràn đầy tin tưởng. Cũng không như lần bỏ Sàigòn ra đi, trong óc chưa có ý niệm rõ rệt khác biệt nào giữa quê hương và xứ lạ. Giờ đây, sự bắt đầu mang một sắc thái hoàn toàn mới. Trước mặt là một chuỗi dài mù mịt và sau lưng chẳng còn gì để hỗ trợ niềm tin. Dầu vậy, tình thương cho người mẹ già và tương lai đứa con trai nhỏ là điều khiến tôi nghĩ ngợi –cũng là nguyên nhân của mọi ý định hiện tại- tôi muốn đặt cả lên canh chót trong ván bài Định Mệnh, thử xem con Tạo xoay vần ra sao?

 

 

            Cuối tháng 6/1979. Hát Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang.

            Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, bên triền hữu bờ sông Hậu, Hậu Giang là một trong những tỉnh lớn chiếm cứ một vị trí quan trọng đối với vùng đồng bằng miền Tây Nam phần. Hậu Giang do hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng cũ sát nhập lại, bắc giáp tỉnh An Giang; nam và đông nam giáp biển Đông và tỉnh Minh Hải; phía đông và đông bắc giáp tỉnh Kiên Giang.

            Năm 1876, theo sự phân chia của thực dân Pháp, Cần Thơ và Sóc Trăng là hai trong số sáu tiểu khu của khu vực Bassac. Năm 1899, thực dân đổi tiểu khu thành tỉnh. Cần Thơ và Sóc Trăng trở thành tỉnh từ đó.

            .. .. ..

            Đoàn dừng bến tại Sóc Trăng. Mỗi buổi sáng thả bộ ra chợ là điều thú vị đối với tôi. Trong nhiều vùng đã đi qua, các ngôi chợ thường giống nhau; vậy mà sao tôi lại chỉ ưa thích hơn cả ngôi chợ chính của Sóc Trăng, nằm ngay trung tâm thị xã? Có lẽ vì nơi đây hàng hóa nhiều và rẻ hơn mọi nơi khác? Hay bởi nơi đây, “một chục” trái cây được tính là 16, thay vì 10, 12, hay 13? Hoặc cũng có lẽ các bà bán hàng –cả Miên lẫn Việt- ai cũng đều tươi cười, dễ chịu? Nụ cười không có sóng ba đào nhưng đủ làm đắm lòng người khách phương xa.

            Dù sao, những lần đến Sóc Trăng, tôi vẫn thích tiêu thì giờ buổi sáng bằng một vòng dạo quanh chợ, mua vài món vặt vãnh, ngồi kề cà trò chuyện với các bà bán hàng, rồi ghé vào nhà lồng chợ ăn một tô cà ri vịt nổi tiếng rẻ và ngon.

            Điều thú vị thứ hai là những cuộc rượu với vài người bạn lúc nửa khuya. Cứ mỗi lần đến Sĩc Trăng là đồn thường hát ở rạp Nguyễn Văn Kiểng; đa số nhân viên ngủ lại phía sau hậu trường. Vì vậy, trước cửa rạp biến thành nơi hoạt động không ngừng của các gánh cháo, gánh cà-ri, của những quán rượu, quán cà-phê bỏ túi. Mỗi đêm, đúng nửa giờ đồng hồ sau khi chiếc màn nhung đã khép là chiếc máy đèn (được bật lên từ đầu đêm hát) ngưng hoạt động. Cả một vùng trời đắm chìm trong bóng tối. Những cái đèn dầu con được thắp lên, tiếp tục sinh hoạt rộn ràng nửa khuya.

            Một cái quán nhỏ tồi tàn bên bờ sông, đối diện rạp hát, nơi “dung thân” của chúng tôi sau khi ngưng tiếng nhạc. Chiếc bàn gỗ gập ghềnh, ngọn đèn dầu mù mù, chung rượu thuốc và vài con khô cá sặc dưới vòm trời đầy sao lúc 12 giờ đêm... là hạnh phúc vừa đủ cho một kiếp đời đó đây phiêu bạt. Khoảng thời gian của trái tim và những cảm xúc nghệ sĩ; thời gian của nỗi êm ái dịu dàng bùng lên trong tâm tư có nhiều hốc trống đảo điên.

            Đêm thật đẹp với cơn huyễn mộng túy lúy càn khôn trong hơi men đang dần thắm. Dưới bóng tối mù mờ của những cái đèn hột vịt chiếu lên thứ ánh sáng lập lòe quỉ mị, trước chung rượu và hai người bạn, tôi bỗng nghĩ thật nhiều đến câu chuyện Kinh Kha. Cuộc rượu hào sảng phóng dật, đưa tiễn Kinh Kha nhập Tần. Tóc tráng sĩ dựng ngược vì hùng khí bốc lên. Nước sông Dịch tự thuở nào vẫn lạnh căm căm.

            "Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

            Uống say rồi gọi thế nhân ơi!”(1)

            Và tôi nhìn lại mình, trong đầu chợt thoáng qua cái ý nghĩ ngộ nghĩnh: “Kinh Kha trong thời buổi nguyên tử, lênh đênh rơi rớt, đi tìm Thái Tử Yên Đan đã chết từ cổ đại!”

            “Ngồi đây ta gõ ván bàn

            Ta ca trái đất còn riêng ta!”(2)

            []

 

  

 



(1) Cẩm Nhung, một vũ nữ nổi tiếng đẹp ở Sàigòn thập niên 1960, bị người vợ Trung tá Thức (tình nhân của cô) tạt nguyên một lon acide vào mặt, trở thành kẻ ăn xin tàn phế trên bến phà Bắc Mỹ Thuận.

(2) Trích bài Độc Tiểu Thanh Ký trong tập Tố Như Thi của Nguyễn Du.

(1) Trích bài thơ Hành Phương Nam của Nguyễn Bính.

(2) Trích bài hát Trương Chi của Văn Cao.

Bài 09