II

 

            Paris. Mùa thu Paris quả thật đẹp, dù chỉ trong mắt nhìn. Phải đi bộ trên bờ cầu sông Seine mới thấy được hết vẻ đẹp của nó. Những tia nắng dịu dàng chiếu trên các đọt cây; từng làn gió nhẹ thoảng qua làm các chiếc lá vàng quay tròn trên đường phố; lũ trẻ con từ trường học túa ra chơi trò ném hạt dẻ vào nhau; rất nhiều chim bồ câu đậu trên mọi lối đi, bạo dạn như ở nơi không có bóng người lui tới.

            Một điểm đặc biệt nữa của mùa thu Paris là có nhiều ả giang hồ khoác áo choàng, đứng co ro chờ khách trong các góc phố nhỏ. Dáng dấp của họ trông thật kiên nhẫn đến tội nghiệp từ giờ này qua giờ khác dưới cơn gió lạnh chiều hôm.

 

 

            Tháng 10/1978.

            Vượt đèo Cù Mông, đoàn đến Quảng Ngãi, thành phố lâu đời thuộc tỉnh Nghĩa Bình nằm dưới vĩ tuyến 17, được dựng lên bên bờ sông Trà Khúc với những bánh xe nước to lớn ven bờ quay suốt ngày đêm, vừa làm đẹp phong cảnh, vừa rót nước tưới vào các ruộng lúa, ruộng mía.

            Xưa, tỉnh Quảng Ngãi là đất Cổ Lũy của Chiêm Thành dâng cho Hồ Quý Ly năm Nhâm Ngọ (1402). Nhà Hồ thiết lập nơi ấy những đồn gọi là Châu Tứ và Châu Nghĩa. Đến đời Lê gọi là Huệ Anh. Năm 1471, nhà Lê lập phủ Tư Nghĩa, phân thành ba huyện là Bình Sơn, Mộ Hoa (hoặc Mộ Đức) và Nghĩa Giang (tức Nghĩa Hành bây giờ); năm 1602 đổi thành Quảng Ngãi. Triều Tây Sơn đổi lại thành Hòa Nghĩa. Đời nhà Nguyễn (1803) đổi ra doanh Quảng Ngãi; năm 1808 đổi trấn Quảng Nghĩa; đời vua Minh Mạng thứ 15 (1831) thành tỉnh Quảng Ngãi.

            Từ sau 1975, tỉnh Quảng Ngãi sát nhập cùng tỉnh Bình Định, thành ra tỉnh Nghĩa Bình, bắc giáp tỉnh Quảng Nam & Đà Nẵng; nam giáp tỉnh Phú Khánh; tây giáp tỉnh Gia Lai & Kontum; đông giáp biển Nam Hải.

            .. .. ..

            Đoàn dừng bến 15 ngày tại đây.

            Đã bốn tháng xa Sàigòn trong chuyến lưu diễn Miền Đông rồi thẳng ra Miền Trung. Không có dấu hiệu gì cho thấy đoàn sẽ trở về thủ đô sớm. Tất cả đều mệt mỏi. Ai cũng nghe nhớ nhà.

            Trong tổ Tân Nhạc bảy người, tôi rất được “cưng” bởi vì tôi nhỏ tuổi nhất và cũng vì tôi là người nữ duy nhất của tổ. Những chuyến lưu diễn càng dài bao nhiêu thì tình thân của bảy anh em càng nhiều bấy nhiêu. Dẫu vậy, trong số bảy người, không phải ai cũng chịu thức đêm, không phải tất cả đều thích uống cà-phê, uống rượu. Dù rằng trên bảy thứ nhạc khí khác biệt, mọi người đều giống nhau trong cách sử dụng điêu luyện, nhưng sự đồng nhất ý kiến vẫn là điều hiếm hoi xẩy ra giữa đám chúng tôi.

            Trước 1975, Quảng Ngãi là một vùng nổi tiếng nhiều Việt Cộng. Bất cứ người dân nào nói tiếng địa phương trong thị xã cũng đều có thể bị tình nghi là một đặc công Cộng Sản. Chiến trường Quảng Ngãi cũng từng là mồ chôn của biết bao cuộc đời tươi trẻ trong cuộc chiến cùng màu da kéo dài ngót ba chục năm ròng rã. Một người bạn rất thân của tôi, khóa 25 Thủ Đức, đã từ trần trong một trận đánh ác liệt tại đây.

            Vậy mà trong 15 ngày dừng bến, Quảng Ngãi đã để lại trong tôi biết bao ấn tượng êm đềm. Trong các hàng quán tiếp xúc với người dân địa phương, hoặc ngay tại nơi dựng rạp vài lần chuyện trò cùng các khán giả, tôi đã thoáng nhớ đến câu thư ngày nào của người bạn cũ: “Dân ở đây ban ngày theo Quốc Gia, ban đêm treo cờ Cộng Sản là chuyện thường lắm!...”, để rồi tự hỏi, có phải con người đang hiện diện trước mặt lại đã từng là người dân của “phía bên kia” chăng?

            Tuy nhiên, ý nghĩ này tan biến hẳn sau vài ngày lưu lại Quảng Ngãi. Không có gì khác lạ giữa họ và tôi, ít ra trên cái nhìn bề ngoài cùng những ghi nhận trong các mẩu trò chuyện. Đa số những khuôn mặt đều bình dị, đượm nét khắc khổ nhẫn nhục, ảnh hưởng từ vùng địa lý khô khan. Những em bé ốm gầy, còm cõi, chen lấn nhau trên sân cỏ để mong đứng cho gần sân khấu; các bà mẹ quê già nua héo hắt với nụ cười hiền lành chợt sáng trên đôi mắt mỗi lần tiếp xúc với bọn tôi; những cô gái từ các làng quê xa xôi kéo nhau về tỉnh xem hát, trên người chỉ độc bộ bà ba đen và khuôn mặt không vướng chút bụi phấn son thành phố. Những con người này có lẽ chẳng bao giờ biết đến đô thị xa hoa? Họ sống âm thầm trong một vùng đất khô cằn của Miền Trung mà cứ hết trận đánh này sang trận đánh khác đổ ập lên xứ sở họ; để rồi giờ đây đất nước hòa bình, họ cũng chẳng có được niềm vui nào khác ngoài luống cày, con trâu và những ruộng vườn không còn nhiều hoa màu nữa. Thời gian và nước mắt, chiến tranh và đau khổ chẳng để lại gì hơn những nỗi bơ phờ chịu đựng hằn lên trên các khuôn mặt ấy...

            Lòng tôi chợt chùng xuống như một sợi dây đàn bất ngờ bị lạc âm thanh!

            Vào lúc ban ngày không hát, tôi thường đón xe lam đi thăm các vùng xa xa quanh thị xã. Những địa danh Mộ Đức, Mỹ Khê, Quán Lác, Núi Dẹp, Cầu Sông Vệ... ngày nào người bạn viết kể cho nghe, tôi đều tìm đến. Có những con đường gập ghềnh đầy ổ gà, nhiều bụi; những mái nhà tranh xiêu vẹo, chơ vơ. Có những làng quê không thấy bóng con người; những ruộng lúa bỏ hoang không ai cầy cấy.

            Ôi! Quê hương sao nghèo quá! Tang thương quá!

            Trong một ngôi làng đi qua vào một buổi trưa, khi dừng lại nơi cái quán nhỏ ven đường uống ly trà đá, tôi chợt nghe văng vẳng giọng ru của một bà mẹ nhà quê nào đó:

            “Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh

            Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

            Khó đi, mẹ dắt con đi

            Con thi trường học, mẹ thi trường đời.”

            Cả tâm tư tôi chết điếng trong nỗi bàng hoàng xúc động. Ly trà đá bỗng như trở nên thừa thải khi mà tôi đang được uống lại dòng sữa ngọt của ngày thơ.

            Quê hương nghèo quá, tang thương quá! Nhưng không thể chối rằng quê hương đã thật giàu có, phong phú với lòng mẹ thương con, với những câu ca dao trữ tình sâu sắc; với lòng người kiên trì bất khuất; với các làng quê đổ nát hoang tàn đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện làm nên lịch sử.

            .. .. ..

            Cũng trong chuyến Quảng Ngãi 15 ngày, những khuya tan hát, cả bọn năm người nhạc sĩ kéo nhau ra một quán cóc ven đường Quốc Lộ I ngồi nhớ nhà, uống rượu. Lúc này Quảng Ngãi đã gần cuối mùa trăng. Trăng cuối tháng buồn khô và lạnh lẽo, giống như những chiếc lá cây trổ vào cuối mùa. Những chuyến xe đò Sàigòn đi thẳng ra Huế sẽ phải ghé lại nơi đầu quán lúc 2 giờ rưỡi khuya để đổ khách Quảng Ngãi. Nỗi thi vị trong chuyến lưu diễn 15 ngày tại đây, tôi muốn ghi lại, chính là ở điểm ấy. Đêm khuya lạnh vắng nơi một quán cóc nhỏ ven đường, chúng tôi ngồi chờ một chuyến xe xa ghé đến. Chuyến xe mang hương vị Sàigòn thân ái! Chuyến xe làm ấm lại phần nào tâm hồn khách lưu lạc phương xa...

            []

 

 

            Paris. Từ lâu, tôi vẫn yêu Paris qua văn chương và hình ảnh. Thơ Apollinaire đọc khi vừa lớn đã đánh mạnh vào đầu tôi cái ấn tượng thi vị của gầm cầu sông Seine, nơi có những chàng nghệ sĩ lang thang đứng giữa trời phô bày tài nghệ; nơi dung thân của những con người khốn khổ, đắp chăn nằm co ro ngay giữa mùa đông. Rồi lại một Paris xa xôi qua các câu chuyện của Victor Hugo đã vẽ vời trong trí tôi biết bao hình ảnh... Và, tôi chọn Dalat thay cho Paris để trải một phần tuổi trẻ của mình trên ngọn núi ướp băng.

            Giờ đây, đối diện thật sự với Paris, niềm mến yêu bồng bột cũ đã phôi pha nhiều lắm. Paris vẫn còn rất đẹp như ngày nào trong trí tưởng. Cái danh vị “kinh đô ánh sáng” vẫn không mai một với thời gian. Nhưng còn tôi, tháng năm đã làm tôi đổi thay không ít. Và trong tâm hồn thì lại không còn chỗ trống để đón nhận hoàn toàn cái Đẹp của Paris.

 

 

            Tháng 11/1978. Tiếp qua Tam Quan, xứ dừa nổi tiếng của tỉnh Nghĩa Bình, thuộc huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Đất đai nơi đây xanh tươi, đồng ruộng màu mỡ, vườn dừa bạt ngàn vi vút giống như những lời trong một câu ca dao:

            “Công đâu công uổng công thừa

            Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan?”

            .. .. ..

            Đoàn dừng bến sáu ngày tại đây.

            Một câu chuyện thương tâm ám ảnh tôi suốt những đêm hát đến độ rã rời phím nhạc. Đoàn dựng rạp ngay tại sân banh thị xã, diện tích chứa khoảng hai ngàn người. Chung quanh rạp được bao lại bằng một hàng rào kẽm gai, có bộ đội cầm súng đứng gác. Lối vào của khán giả chỉ vừa đủ cho hai người qua lọt khi đưa trình vé cho nhân viên giữ cửa. Vậy mà không hiểu sao lối vào này bị vỡ; khán giả ùa tới như một làn sóng dữ, rối loạn không cách gì vãn hồi cho được. Một người mẹ dắt đứa con trai năm tuổi, nối liền theo sau lưng người cha đang bế một đứa khác nhỏ hơn. Làn sóng người xô ngã đứa trẻ và cứ thế mà giẫm chân trên nó...

            Suốt sáu ngày hát ở Tam Quan, tôi cứ nghĩ đến cái chết tức tưởi của đứa bé tội nghiệp kia; rồi lại hình dung đến những cái chết tức tưởi của người dân Việt Nam trên nhiều hình thức. Trong chiến tranh, chết đã đành. Hòa bình rồi, cũng phải chết. Chết đủ cách và với đủ lớp người. Chết nghẹn ngào, ngơ ngác mà chỉ trong một giây trước đó đã không hề ngờ rằng rồi mình sẽ phải chết!

            Sáu ngày hát ở Tam Quan, tôi cảm nghe cơ hồ mình cũng như “đang chết”. Nỗi chết từ những nghĩ ngợi triền miên trong tâm hồn mà nẩy sinh ra.

            []

 

 

            Paris. Hai người bạn rủ tôi leo lên nóc cao của ngôi nhà thờ Đức Bà. Bốn năm ở Paris từ ngày bỏ xứ ra đi, đây mới là lần thứ nhất tôi đối diện rõ ràng với ngôi nhà thờ nổi tiếng trong văn học ấy. 383 bậc thang hình trôn ốc tính từ dưới đất, có những khúc rất hẹp chỉ đủ cho một người đi lên hay đi xuống. Các hình tượng trang trí khắp cả nhà thờ. Những tác phẩm nghệ thuật dẫy đầy trên các bức vách khiến ngôi giáo đường nườm nượp du khách vãng lai này giống như một bảo tàng viện nhiều hơn là một nơi chỉ để nguyện cầu, lễ bái.

            Từ trên cao 383 bậc thang, Paris trông thật đặc thù trong cái vẻ cổ kính của nó. Tháp Eiffel ngạo nghễ vươn lên giữa một vùng trời “ngựa xe như nước”. Dòng sông Seine uốn khúc một cách lười biếng dưới chân ngôi giáo đường. Biết bao cung điện, đền đài và khu vườn Luxembourg nổi tiếng –làm hãnh diện cho người dân nước Pháp. Thêm nữa là xóm Montmartre và khu Quartier Latin vang bóng một thời.

            Nơi cái góc nhỏ cạnh bên tháp chuông trên đỉnh cao chót vót, tôi nhìn xuống công trường nhà thờ, cố lục tìm trong trí nhớ một chút rung cảm của ngày thơ. Nơi đây, hơn 100 năm trước có cô bé “gitane” của Victor Hugo nhịp nhàng nhảy múa. Cũng nơi đây, ở cái góc này, chàng gù Quasimodo đã ghé mắt nhìn xuống –như tôi bây giờ- với trọn tấm lòng câm lặng đảo điên.(*)

            Paris đẹp quá! Nên thơ quá! Vậy mà đã bốn năm rồi, sao tôi vẫn chưa nghe thân thiết được với nó? Tôi tự ví mình như người mất bóng trong một tác phẩm đọc đã lâu, cứ mãi đi tìm cái bóng của mình, cho dù có làm gì và ở đâu chăng nữa. Thì bốn năm qua, định mệnh biến chuyển không ngừng trên những khúc quanh nguy hiểm, vậy mà tôi vẫn buồn rầu dõi trông vô vọng nửa linh hồn đã mất tự bao lâu.

 

 

            Tháng 11/1978, hát Hoài Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình.

            Bên cạnh sân banh nơi đoàn dựng rạp, nằm trên quốc lộ chính, là một quán cơm mở cửa hằng ngày từ 12 giờ trưa cho đến 7 giờ sáng hôm sau.

            Những khuya tan hát, chiếc quán bên đường này chính là chỗ vui chơi duy nhất trong trọn huyện lỵ cho những con người mang cái nghiệp cầm ca như chúng tôi. Đủ các khuôn mặt được nhìn thấy tại đây. Các xị ruợu, các dĩa mồi, những món thức ăn được gọi to và mang ra theo từng bàn, từng nhóm. Trên trần nhà treo duy nhất một ngọn đèn măng-xông. Luồng ánh sáng tỏa rộng khắp nơi, lan ra tận bên ngoài đường lộ vắng.

            Tuy nhiên, quán đêm chỉ thực sự sống động khi tiếng nổ máy dòn tan của các chiếc xe hàng từ xa vọng lại. Bước chân người bồi bàn trở nên dồn dập nhặm lẹ. Ngọn lửa xanh trên lò nấu thức ăn cũng được khêu cao hơn.

            Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc... rồi cả một đoàn xe ngừng lại, đậu khắp nơi bên ngoài quán. Các người lơ nhanh nhẹn nhảy xuống, giơ tay cất tiếng chào nhau. Đây là trạm nghỉ của các tài xế xe hàng trước khi tiếp tục lộ trình Miền Trung thẳng ra ngoài Huế. Họ dừng lại đây, ăn uống nhậu nhẹt rồi giăng ghế bố cạnh bên các chiếc xe mà ngủ qua đêm.

            Có nhìn thấy sự bừng sống của chiếc quán bên đường vào lúc nửa khuya về sáng trong một huyện lỵ buồn tênh heo hút mới cảm hết được nỗi thi vị của cuộc sống đó đây phiêu bạt. Trên quốc lộ dài tối đen, người lữ khách chợt nghe lòng ấm lại khi nhìn từ xa ánh đèn của một chiếc quán khuya. Một chốn dừng chân chốc lát để rủ bỏ những bụi đường đã trải. Một chỗ nghỉ ngơi lúc nào trước khi dấn bước trở lại trên con đường hun hút xa xôi...

            Năm hôm ở Hoài Nhơn, tôi và các người bạn trong tổ Tân Nhạc đều trải qua quãng thời gian nửa đêm về sáng trong chiếc quán ven đường quốc lộ. Trời càng về khuya, không khí quán cơm càng trở nên trữ tình lãng mạn. Các người tài xế xe hàng bước ra ngoài sửa soạn mùng mền, ghế bố. Còn các người trong đoàn hát thì có kẻ đã say gục trên bàn. Không khí bi tráng đượm màu thi vị của những chiếc quán trong truyện dã sử thời thực dân cai trị như mang mang ẩn hiện nơi chiếc quán ven đường quốc lộ. Các tráng sĩ tìm gặp nhau giây lát rồi lại rẽ bước mỗi người mỗi ngả trong mưu đồ khởi nghĩa đuổi Tây...

            Thực tràn trong mộng, mộng lẫn với thực làm cho tôi càng thêm yêu cuộc đời giang hồ đây đó. Và chiếc quán bên đường của năm đêm hát Hoài Nhơn đã để lại trong tôi biết bao ấn tượng khó quên.

            []

 

 

            Bruxelles (Belgique). Trời chợt trở lạnh. Tuyết đã bắt đầu rơi. Cuộc biểu diễn của ban nhạc chúng tôi thành công tốt đẹp. Trong thính đường trường Quốc Gia Âm Nhạc thủ đô vương quốc Bỉ, khi cuộc trình diễn chấm dứt, gần hai ngàn khán thính giả đã vỗ tay rào rạt hồi lâu. Daniel là người lèo lái mọi sự. Anh thật khả ái khi giới thiệu từng người nhạc sĩ trong ban với cái giọng sâu sắc hóm hỉnh. Lúc mời tôi đứng lên khỏi ghế, anh đã nói rằng: “Đây là người con gái đến từ một xứ sở giàu nhất thế giới về sự đau khổ.”

            Hẳn nhiên là tôi được vỗ tay rất nhiều; càng nhiều hơn khi Daniel ca ngợi với khán giả chiếc áo dài màu đỏ của tôi “có cái vẻ dịu dàng đầy Đông Phương tính”. Anh đã dùng chữ “mỏng manh, dễ vỡ” để nói về vẻ đẹp của chiếc áo.

 

 

            Tháng 11/1978, lưu diễn Phù Cát, Qui Nhơn.

            “Ngày xưa, ở làng quê kia có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai con, một trai một gái. Mỗi khi ra đồng, bố mẹ thường dặn anh ở nhà phải cẩn thận trông em. Một bữa, bố mẹ vắng nhà, anh lấy dao róc mía cho em ăn, không ngờ lưỡi dao văng tuốt vào đầu em, máu chảy lênh láng. Em ngã ra bất tỉnh. Anh sợ quá bỏ nhà trốn biệt.

            Mười mấy năm lưu lạc trôi qua, chàng không nhớ mình đã đi mãi tận đâu. Sau cùng, chàng đến Bình Định sinh sống bằng nghề đánh cá và kết hôn với một cô gái thạo nghề đan lưới, mồ côi cha mẹ. Mỗi khi thuyền chồng về bến, vợ xuống bãi đón, rồi quẫy cá ra chợ bán. Ít lâu, họ sinh được một con, cảnh nhà càng ngày càng thêm ấm cúng.

            Một bữa kia biển động, chồng ở nhà phụ với vợ vá lưới. Cơm nước xong, vợ xõa tóc nhờ chồng bắt chí. Thấy trên đầu vợ có vết sẹo dài, chồng hỏi nguyên do. Vợ kể hết đầu đuôi cớ sự. Chồng rất đau lòng khi biết mình kết hôn lầm em gái, nên quyết chí bỏ đi, không cho vợ hay. Khi biển êm sóng lặng, chồng lại giong buồm ra khơi nhưng không bao giờ còn trở về nữa.

            Từ bữa đó, vợ bế con trèo lên mỏm núi ngóng thuyền chồng tăm hơi biền biệt. Hai mẹ con cứ đứng mãi nhìn ra biển xa, lâu ngày sương đóng hóa thành đá cứng. Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi Mô O, gần bãi Khách Thử, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (nay gọi là tĩnh Nghĩa Bình), người ta vẫn quen gọi là hòn Vọng Phu. Những người đi biển dù Nha Trang ra hay Đà Nẵng vào, nhìn vô đất liền đều thấy hòn Vọng Phu sừng sững. Cảm thương nỗi đau của người bạn thuyền chài, họ truyền nhau câu hát:

            “Bồng con ngồi tựa cao non

            Trăng thu vằng vặc, dạ son chờ chồng.”

            .. .. ..

            Một đêm ở Phù Cát, sau khi tan hát, tôi và hai người bạn trong tổ Tân Nhạc kéo nhau ra ga xe lửa ngồi uống rượu khuya. Trên sân ga tấp nập đủ mọi giới người. Các chiếc đèn hột vịt, đèn măng-xông treo trước những gánh hàng, lung linh dao động.

            Trong góc tối của một quán rượu nhỏ với hai người bạn, tôi ngồi quan sát sinh hoạt chung quanh. Đó đây, những chiếc ghế bố cho mướn bày ra la liệt. Người ta cắm cọc, giăng mùng, rồi tựa đầu lên hành lý. Người ta ôm trọn tất cả những gì có thể ôm vào ngực mà ngủ qua đêm. Mỗi chiếc mùng là một thế giới riêng rẽ. Những thế giới riêng rẽ tình cờ hội tụ với nhau trong cùng không gian của một đêm mùa thu rét mướt. Tuy nhiên, sự riêng rẽ này không được hoàn toàn tôn trọng. Vì vậy, thỉnh thoảng lại nghe dội lên giữa khuya tiếng la từ một chiếc mùng nào đó: “Ê, làm gì vậy? Tính ăn cắp hả?” Tiếp theo sau là một tràng chửi rủa chói tai.

            Trước hiên quán rượu, một thiếu phụ còn trẻ ngồi xổm dưới đất, đôi cánh tay vòng quanh người một đứa bé độ hai tuổi đang ngủ gà ngủ gật. Dưới làn ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn đường, khuôn mặt người thiếu phụ trông đớn đau buồn bã, đôi mắt đảo nhìn khắp sân ga, dáng vẻ bồn chồn nôn nóng. Ngọn gió giá buốt tháng Mười Một thổi rì rào trên các cành dương trồng quanh sân ga. Người thiếu phụ ôm xiết đứa trẻ vào lòng, đôi mắt vẫn không ngừng tìm kiếm.

            Cách xa một quãng, ngay cửa lớn dẫn vào nhà ga, một bà cụ ngồi giữa đám đông, tỉ tê khóc lóc. Câu chuyện bà bị lấy mất túi hành lý, tôi đã được biết từ khi mới bước chân đến đó. Những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo không còn chút thịt làm cho tôi nghe thật buồn trong bụng. Những ly rượu nóng vẫn không xóa tan được hết cảm giác xót xa lan rộng càng lúc càng nhiều trong trí tưởng tôi.

            Khi trời đã rất khuya, người thiếu phụ ngồi với đứa nhỏ trước hiên quán rượu đột nhiên vùng đứng dậy. Bà nhẩy xổ vào một người đàn ông đang đi tới gần, giơ tay cào cấu lên mặt lên thân hình người ấy. Đứa bé bị bỏ rơi lại trước cửa quán, khóc ré lên dữ dội. Đám đông nhanh nhẹn vây chung quanh người đàn ông và người thiếu phụ. Có tiếng la bằng giọng Quảng Nam: “Anh lừa gạt tui! Lấy tui có con rồi rắp tâm trốn về ngoài Bắc. Tui canh ở đây cả tuần rồi. Tui biết thế nào anh cũng ló mặt ra ga mua vé xe lửa về với bà lớn. Anh không dễ gì qua mặt tui đâu!”

            Người đàn ông ra vẻ một cán bộ Cộng Sản, lúng túng gỡ đôi tay níu chặt của người thiếu phụ ra khỏi thân mình. Nhưng càng gỡ thì người đàn bà càng thêm bấu chặt. Ông nói nhỏ với người thiếu phụ câu gì đó, chỉ thấy bà lắc đầu quầy quậy, la to giọng: “Làm sao tui trở về được với chồng tui? Anh xúi giục tui, hứa hẹn đủ điều để tui bỏ mặc anh ấy tù đày cải tạo. Bây giờ anh tính cuốn gói rút êm hả? Không dễ với con này đâu!”

            Vừa la, người thiếu phụ vừa cào cấu lên đầu lên cổ tình nhân. Trong đám đông có tiếng đàn ông chửi thề, rồi lại tiếng đàn bà kêu lớn: “Thứ người đểu giả! Vợ con đùm đề ngoài Bắc rồi còn vào lừa gạt gái Nam!”

            Tôi lại tiếp tục uống rượu cùng hai người bạn. Cảm giác buồn buồn tràn ngập tâm tư. Đêm trên sân ga Phù Cát nhuốm màu vàng vọt. Những ngọn đèn nơi các gánh cơm gánh cháo cơ hồ như cũng soi đậm màu vàng úa lên những hốc kín của tình cảm tôi. Gió lạnh ngây ngây. Tiếng còi tàu ré lên từ xa nghe sao vô cùng tuyệt vọng. Tôi nhìn qua phía bà cụ bị lấy cắp túi hành lý, rồi lại nhìn người thiếu phụ lúc này đã bình tĩnh ngồi xuống trên một băng ghế, bên cạnh người đàn ông và đứa con nhỏ. Cảm giác chán chường vẫn không rời xa đầu óc. Và tôi tự hỏi: “Hà cớ gì mình phải rung động xót xa vì những tấn kịch đời thống khổ vẫn nhan nhản mỗi ngày trên cõi người ta?”

            []

 

 

            Biểu diễn ở Bastogne (Belgique).

            Bastogne là một trong năm quận chính của tỉnh Luxem- bourg, miền Đông-Nam nước Bỉ, nằm trong vùng Ardennes, sát biên giới nước Lục Xâm Bảo.

            Thời Đệ II Thế Chiến, từ tháng 5/1940, Ardennes được dùng là cửa ngõ chiến lược của Đức để tràn xuống các vùng Tây Âu. Tháng 12/1944, trước sức tấn công vũ bão của quân đội Đức trên toàn vùng Ardennes, tướng Eisenhower(*) đã tung Sư đoàn Không chiến 101 vào Bastogne. Sư đoàn này ở lại chống cự từ ngày 21 đến 26/12/1944. Ngày 27/12/1944, những chiến xa của Sư đoàn III do Tướng Patton(**) cầm đầu đã đánh tan những chiến đoàn bọc giáp sắt của Thống Chế Von Rundstedt(***), tái lập lại liên lạc với những người trong quân đội Đồng Minh hiện đang bảo vệ Bastogne.

            Trận đánh dữ dội ở Bastogne là trận đánh quyết định, được sử dụng toàn những chiến đấu cơ, thiết giáp xa hạng nặng; và chấm dứt vào ngày 1 tháng 2/1945. Chiến thắng Bastogne được kể là sự mở màn cho các trận thua liên tiếp của quân đội Đức ở khắp nơi trên thế giới, trước khi kết thúc chiến tranh tháng 5/1945.

            Sau Đệ II Thế Chiến, để kỷ niệm trận đánh Bastogne, người ta đã cho dựng lại ngay tại đây những hình ảnh giống như thật của các vị tướng lãnh, các vị chỉ huy và binh lính quân đội Đồng Minh trong một cuộc họp bàn chiến lược. Nằm giữa một vùng bốn bề gió lộng với những hàng thông vi vút và những giáo đường được xây lên từ thế kỷ thứ 7, thứ 8, nơi lịch sử này đã thu hút rất nhiều du khách. Một cái đài xây theo hình bát giác, nằm trên mô đất cao, có khắc tên nhiều tiểu bang nước Mỹ cùng tên những quân nhân đến từ các tiểu bang này và đã bỏ xác tại đó. Vài chiến xa từ thời 1944 vẫn còn nằm cạnh khu phố chính, ngay giữa con đường được đánh dấu bằng một trụ hình bầu dục có vẽ bó đuốc rực sáng, bên dưới hàng chữ “Voie de la Liberté, 1944” (Con đường của Tự Do, 1944).

           

 

            Cuối tháng 11/1978, trở vào ngang Qui Nhơn, quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung.

            Năm 1753, tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn (nay là đất của xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tĩnh Nghĩa Bình), trong một căn nhà lá nhỏ nằm bên bờ sông Côn(1), một bậc kỳ tài lưu danh thiên cổ đã ra chào đời: Nguyễn Huệ. Ông là con trai thứ ba của hai ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng. Thuở nhỏ ông cùng hai anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ theo học với thầy Hiến, một nhà nho bất đắc chí vì chính sách bạo ngược của loạn thần Trương Phúc Loan ở Đàng Trong, nên bỏ trốn vào Qui Nhơn, mở trường dạy học tại ấp An Thái.

            Mùa Xuân năm 1711, đất Tây Sơn(2) sôi động, lá cờ khởi nghĩa bằng lụa đỏ dài 10 mét được phất lên với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”; đồng thời lời hịch kể tội Trương Phúc Loan được rao truyền khắp nơi. Các tầng lớp dân chúng đều hăng say hưởng ứng. Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ trở thành người anh hùng vĩ đại của dân tộc VN.

            Trận đại phá quân Thanh mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1/1789) đã là chiến công lỗi lạc nhất của ngài, kéo dài sau đó là những công cuộc bình định, đem lại hòa bình cho dân tộc. Tiếc thay, ngài chỉ xuất hiện như một vì sao sáng chói trên bầu trời lịch sử tối đen của tổ quốc cuối thế kỷ 18, rồi vụt tắt. Ngày 29/9 năm Nhâm Tí, ngài qua đời, niên hiệu Quang Trung thứ 9 (1792), để lại biết bao thương tiếc trong sử sách Việt Nam hằng trăm năm sau.

            .. .. ..

            Đoàn dừng bến tại Qui Nhơn, trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của tỉnh Nghĩa Bình. Thành phố và hải cảng được dựng bên vũng Thị Nại nước sâu, tàu hàng ngàn tấn có thể vào; ngoài khơi có Cù lao Xanh che kín gió. Cù lao Xanh (nay là xã Nhơn Châu) rộng khoảng 5km vuông, cách bờ biển Qui Nhơn độ 30km, dân số chừng hai ngàn người chuyên nghề đánh cá và khai thác san hô. Cù lao Xanh là bức bình phong chắn gió cho cảng Qui Nhơn. Vì vậy, dân ở đây có câu:

            “Cửa Giả (tức Qui Nhơn) có hòn áo ngoài

            Các lái chạy dài gọi Cù lao Xanh”.

            .. .. ..

            Có cơn bão từ Miền Bắc thổi vào làm Qui Nhơn gió mưa tầm tã. Biển động. Trời thật lạnh.

            Đoàn nghỉ hát đã ba đêm. Chúng tôi chẳng ai được lãnh lương. Trước cửa và ngay trong rạp, từng chiếu rượu được gầy lên đây đó. Thứ giải trí thông thường của hai phần ba nhân viên đoàn vẫn là uống rượu. Không phải là không có những luật lệ ban ra để ngăn cấm điều trên, nhưng trong một môi trường mà sự dễ dãi đã trở thành cái nếp thì điều ngăn cấm này chẳng hiệu quả gì mấy. Mãi rồi, luật lệ chỉ còn là những huấn lệnh suông được nhắc lại trong các buổi họp đoàn mà không có ý nghĩa giá trị thật sự. Trừ các giờ diễn, tất cả nhân viên đều có quyền sống theo ý thích cá nhân.

            Ba đêm không hát, chúng tôi ngày hai buổi đến rạp ăn cơm rồi về khách sạn ngủ. Tôi được dịp nhìn sâu hơn về đời sống cải lương.

            Từ xưa, ở Miền Bắc đã thấy xuất hiện lối Hát Chèo hay Hát Tuồng. Ở Miền Trung là lối Hát Bội. Riêng tại Nam phần, rải rác trong các tỉnh chỉ có các ban tài tử đờn ca trong các buổi lễ lạc đình đám tư gia.

            Từ năm 1910, ở Mỹ Tho đã thấy xuất hiện ban tài tử của ông Nguyễn Tống Triều (tục gọi Tư Triều) được người dân địa phương hoan nghênh nhiệt liệt.

            Tuy nhiên phải đến năm 1917, do bởi sáng kiến của ông Châu Văn Tứ, một người giàu có ở Mỹ Tho, đưa ban ca kịch tài tử lên sân khấu biểu diễn đàng hoàng với phông cảnh và y trang nhiều màu sắc, bộ môn Cải Lương mới thật sự thành hình và phát triển rất nhanh.

            Cho đến các năm 30 thì đã có nhiều đoàn cải lương chuyên nghiệp ra đời và hoạt động mạnh. Thời kỳ đầu tiên của ngành sân khấu Cải Lương có những khuôn mặt đào kép trứ danh xuất hiện: cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, cô Tư Sạng..., kép Hai Giỏi, kép Năm Châu, kép Tư Chơi, kép Ba Du, kép Tám Mẹo, kép Năm Long...

            Sau khi đã phổ biến trong toàn cõi Nam phần, điệu hát Cải Lương được đem ra trình diễn ngoài Trung và Bắc, được tán thưởng nồng nhiệt. Có thể nói, chưa có ngành nghệ thuật nào phát triển nhanh như Cải Lương, và cũng chưa có ngành nghệ thuật nào thu hút khán giả mạnh bằng Cải Lương.

            Từ đó, sau hơn hai mươi năm hoạt động, Cải Lương đã trở nên rất quen thuộc với quần chúng khắp nơi trong hàng trăm vở diễn trên đủ mọi đề tài kim cổ Đông Tây.

            Từ sau 1975, các gánh hát Cải Lương không còn do tư nhân quản lý, mà phải qui tụ vào một mối kiểm soát của nhà nước trên mặt hình thức. Đoàn hát tôi đang tham gia là một trong vài đại ban, trực thuộc ngành Nghệ Thuật Sân Khấu sở Văn Hóa và Thông Tin thành phố Hồ Chí Minh.

            Ngoại trừ ban quản trị, có hai thành phần rõ rệt trong một đoàn hát: thành phần nghệ sĩ (bao gồm các tổ Diễn Viên, Cổ Nhạc và Tân Nhạc); thành phần công nhân (bao gồm các tổ Dàn Cảnh, Y Trang, Ẩm Thực, Phòng Vé và Xe Cộ). Trong quy chế lương phạn, bồi dưỡng nhu yếu phẩm hay phòng ngủ, xe cộ mỗi lần lưu diễn xa, giới nghệ sĩ được ưu đãi hẳn so với giới công nhân. Dẫu vậy, trong những sinh hoạt hằng ngày của đoàn, điều nói trên vẫn không làm hai giới này xa cách. Một anh diễn viên hạng nhất có thể ngồi uống rượu lê la với các anh công nhân trong tổ Dàn Cảnh. Một chàng nhạc sĩ Tân Nhạc có thể ngồi uống cà-phê “đầu đường xó chợ” với ông trưởng đoàn. Tình thân ái là điểm son nổi bật trong đời sống Cải Lương, nẩy sinh từ những chuyến lưu diễn dài, tháng này qua tháng khác.

            Trong vai trò một nghệ sĩ Tân Nhạc, tôi rất ưa thích giao tiếp với những anh em công nhân. Có gần gũi các con người lao động này mới thấy hiểu và thương được cái đời phiêu bạt Cải Lương. Có những người gắn bó cả cuộc sống mình vào trong gánh hát, từ trước và sau 1975, như một thứ nghiệp dĩ. Có những người đã từng là diễn viên phụ, nay về già vẫn cứ bị ánh đèn sân khấu quyến rũ, phải xin vào đoàn với bất cứ chức vụ khiêm tốn nào. Có những người không hề biết đến trường học là gì khi từ nhỏ đã theo đoàn đi khắp nơi lưu diễn. Lại cũng có người không gia đình, nhà cửa, chỉ lấy hậu trường sân khấu làm mái ấm (cái mái ấm giới hạn vỏn vẹn trong chu vi của một chiếc chiếu nhỏ và cứ phải di chuyển luôn luôn).

            Một anh công nhân bảo tôi: “Đã ăn cơm Cải Lương là cô phải đi theo Cải Lương hoài; chừng nào Tổ tha mới được ra!”

            “Tổ Cải Lương” cũng là một điều huyền bí gợi lên trong tôi biết bao nhiêu là tò mò thú vị. Một cái kệ thờ được đặt nơi góc trang trọng nhất trong hậu trường với bánh trái và khói nhang nghi ngút. Ai đi qua đó cũng phải cúi đầu. Trước khi ra sân khấu, các diễn viên thường thắp nhang khấn vái trước bàn thờ Tổ để xin được diễn cho hay, hát cho ngọt.

            Đã có những quy luật bất thành văn mà chỉ người trong giới mới biết và tuân theo triệt để. “Không bao giờ được mang đôi guốc làm bằng gỗ vông lên sân khấu. Không được đánh trống chầu trước mỗi giờ hát. Không được bố thí tiền cho kẻ ăn mày. Và hàng năm vào khoảng tháng Chín âm lịch, đoàn phải nghỉ hát để làm lễ giỗ Tổ Cải Lương, thật linh đình trang trọng.”

            []

 

 

            Vianden (Lục Xâm Bảo).

            Tuyết rơi trắng xóa trên các con đường. Cuộc biểu diễn ở Saint Hubert bị bãi bỏ vào giờ cuối nên chúng tôi rủ nhau đi Vianden. Cả bọn chia làm hai xe, nối đuôi nhau vượt biên giới nước Bỉ.

            Vianden là một thị trấn du lịch nằm ở phía Bắc nước Lục Xâm Bảo, sát biên giới Đức. Nơi đây cảnh sắc thật nên thơ. Tòa lâu đài vương giả –có từ thế kỷ 11 và được trùng tu lại năm 1906- đứng sừng sững trên đồi cao nhìn xuống dòng suối nhỏ đóng băng dầy cứng. Hai bên con đường, tuyết bám đầy trên các ngọn thông. Lớp lá mục rơi từ năm này qua năm khác trong các rừng cây (mà đạp lên ấy, giống y như đang đạp lên một tấm thảm mềm) cũng bám đầy tuyết. Cảnh sắc nên thơ của vùng Vianden là một bức tranh toàn trắng mà chỉ Thượng Đế mới pha được một cách tài tình cái màu trắng sáng ngời ấy thôi.

            Claudia hỏi tôi: “Chị có thích tuyết không?” Tôi đáp: “Ngày nhỏ, nhìn tuyết qua các bức tranh, tôi rất thích.” Claudia cười: “Còn bây giờ?” Tôi lắc đầu: “Bây giờ đối diện với nó, tôi lại nghe sợ!” Và thêm: “Sợ, nhưng vẫn chiêm ngưỡng chứ không còn thích nữa.”

 

 

            Hai ngày cuối cùng ở Qui Nhơn.

            Cơn bão đã qua nhưng khí trời vẫn còn âm u lạnh lẽo. Buổi chiều thường xuống nhanh để chuyển sang màu tối. Tôi ưa thích sự việc cùng người bạn chơi trompette thả bộ ra phố uống café trong một cửa hàng ăn uống quốc doanh.

            Từ sau 1975, hầu hết mọi cơ sở buôn bán tư nhân đều phải bị gom vào một mối kiểm soát của chính quyền. Các tiệm ăn, quán nước cũng không ra ngoài quy luật đó. Cả một hệ thống “quốc doanh” được lập ra trên đủ mọi ngành nghề thương mại. Từ các công ty ăn uống quốc doanh, xe đò quốc doanh, tầu bè quốc doanh... cho đến các công ty mậu dịch quốc doanh, ca múa quốc doanh, chiếu bóng quốc doanh... đâu đâu cũng đều là quốc doanh cả.

            Thời gian đầu sau 1975, đa số các cửa hàng ăn uống quốc doanh đều vắng khách. Dân miền Nam vẫn còn “hoài cổ” nên ưa thích lui tới các quán café, quán ăn tư nhân dựng lên từ trước 1975. Tuy nhiên, từ sau cuộc đánh tư sản năm 1976, các quán hàng tư nhân “sập tiệm” gần hết. Vậy là một cõi tung hoành, các cửa hàng ăn uống quốc doanh trở nên phồn thịnh từ đây.

            .. .. ..

            Cửa hàng ăn uống quốc doanh chúng tôi thường ghé lại mỗi chiều lạnh trời ở Qui Nhơn nằm ngay đầu phố chợ, cạnh bên bến xe lam rộn ràng tấp nập. Ở đây, thức ăn được bán không thiếu món gì, giá lại rẻ, vì vậy mà quán luôn luôn đông khách.

            Ngay cửa ra vào có treo một quyển sổ dày độ hai trăm trang, ngoài bìa ghi bằng mực đậm “Sổ Ý Kiến Của Khách”. Những ý kiến được ghi phản ảnh ít nhiều ý nghĩ của dân khiến chúng tôi vô cùng thích thú: “Cửa hàng đẹp, sạch sẽ tương đối, nhưng thịt khiêm nhường quá so với rau bày ra trong dĩa.”; “Một phần giò thủ nếu giá một đồng thay vì hai đồng chắc hẳn tốt hơn; bởi vì lương lãnh vào chẳng được là bao, trong khi giá sinh hoạt ngày càng cắt cổ.”; “Thuở trước ở Miền Nam, rau muống là đồ bỏ cho lợn heo ăn, mà bây giờ sao lên giá quá cỡ thợ mộc, cán bộ nhiều tiền cũng không dám chê là đồ bỏ!”; “Bia pha quá nhiều nước lạnh, để làm gì vậy, đâu có khiến cho ai say được để quên đi cái đời tối như mõm chó, chỉ tổ làm đầy túi các bà chủ nhiệm môi vẩu miệng hô!”; “Thức ăn ngon, giá vừa phải, nhưng nếu để cho các em Miền Nam mỹ miều phục vụ khách có lẽ thú vị hơn là các em Bắc Kỳ chanh chua xấu xí!”...

            Cứ vậy, mỗi buổi chiều lạnh trời ở Qui Nhơn, tôi và người bạn vẫn tìm đến cửa hàng ăn uống quốc doanh nơi đầu phố chợ để đọc thêm trong Sổ Ý Kiến những “ý kiến” mới. Những ý kiến phản ảnh tư tưởng thầm kín mà bình thường giữa thanh thiên bạch nhật, đố ai dám nói ra bằng lời một cách công khai?!

            []

           



(*) Cô gái Gitane và chàng gù Quasimodo là hai nhân vật chính trong tác phẩm Notre Dame de Paris của Victor Hugo, nhà văn Pháp (1802-1885), được viết vào năm 1831.

(*) Dwight David Eisenhower (1890-1969), Đại tướng người Mỹ trong quân đội Đồng Minh thời Đệ II Thế Chiến.

(**) George Smith Patton (1885-1945), Đại tướng người Mỹ trong quân đội Đồng Minh thời Đệ II Thế Chiến.

(***) Gerd Von Rundstedt (1875-1953), Thống soái người Đức trong quân đội Đức thời Đệ II Thế Chiến.

(1) Sông Côn ngày xưa gọi là sông Tuy Viễn, phát nguyên từ vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Quảng Ngãi, Kontum và Bình Định cũ, chảy xuống Định Quang, Phú Phong. Đến Phú Phong, sông có thêm nguồn nước của sông Đà Rằng chảy vào nên lòng sông mở rộng và chảy đến địa đầu An Nhơn thì chia ra làm nhiều nhánh, cuối cùng đổ ra đầm Thị Nại. Sông Côn sau này có Bến Trầu, nơi Nguyễn Nhạc dùng để đón khách trong những chuyến đi buôn lịch sử của một thời tiềm ẩn hùng khí Tây Sơn. 

(2) Nay là thôn An Khê ở vùng Hòn Một gần đèo An Khê (trên đường đi Pleiku-Kontum) thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Nghĩa Bình.

Bài 02


Ấn bản

Lời tựa

01 - 02

03 - 04

05 - 06

07 - 08

09 - 10

11 - 12

13 - 14

15 - 16

17 - 18

19 - 20

>>>