Ấn bản

Lời tựa

01 - 02

03 - 04

05 - 06

07 - 08

09 - 10

11 - 12

13 - 14

15 - 16

17 - 18

19 - 20

>>>

Bài 03

 

 

 

 

III

 

            Ardennes (Belgique). Tuyết rơi suốt cả ngày. Trời lạnh khủng khiếp, nhiệt kế xuống đến 17 độ dưới zéro độ. Cuộc biểu diễn vòng quanh vương quốc Bỉ vẫn chưa được tiếp tục bởi vì Jean-Luc, người nhạc sĩ chơi piano bị cảm chưa khỏi.

            Đứng nhìn tuyết rơi qua cửa kính khách sạn, tôi nghe lòng thật buồn. Giờ đây đã không còn nữa sự thích thú ước mơ của thời tuổi nhỏ mỗi khi nhìn những tấm thiệp Giáng Sinh gửi về từ những vòm trời Âu Châu xa tít. Cũng không còn chiêm ngưỡng cái màu sáng, ngời chói trải ra trên khắp cánh đồng mà ngậm ngùi cho mối tình đau khổ của Lara và bác sĩ Zhivago. Không còn nữa những cảm xúc nghệ sĩ khi nhìn màu trắng tuyệt vời nhưng băng giá ấy.... Mà chỉ là nỗi sợ hãi khi liên tưởng đến những đêm trở về từ quán cà-phê, đôi vai rụt hẳn trong cổ áo dạ để tránh những hạt tuyết tàn bạo tới tấp đổ xuống trên người.

            Việc gì cũng đều bị thời gian làm cho lần mòn tiêu hủy. Luôn cả sợi dây nhậy cảm nhất trong cái tâm hồn yêu chuộng thiên nhiên của tôi cũng không ra ngoài được với sự tàn phá của thời gian.

 

 

            Tháng 12/1978. Trở về Sàigòn.

            Một nỗi vui rộn ràng lan khắp châu thân khi chiếc xe đoàn băng qua cầu Phan Thanh Giản, bon bon trên con đường Đinh Tiên Hoàng, tiếp đến Hiền Vương, rẽ trái Lê Văn Duyệt, quẹo phải Hồng Thập Tự và đậu lại trước cửa rạp Olympic, bến đỗ của đoàn.

            Phải nhận rằng tôi yêu Sàigòn sâu sắc, hơn tất cả mọi thành phố đã đi qua. Xứ Huế mơ màng với giòng sông Hương thương nhớ chỉ là niềm kiêu hãnh còn lưu lại trong máu huyết. Dalat mây giăng thấp và buồn ngàn đời lại chỉ tượng trưng cho kỷ niệm một thời của tuổi đôi mươi.

            Riêng Sàigòn lại khác. Tôi yêu từng góc phố của Sàigòn qua từng mỗi giai đoạn sống. Yêu cái tuổi thơ vẫn cùng chúng bạn tranh nhau từng quả me dốt rơi trong sân trường Âm Nhạc. Yêu những tàng cây cao trên con đường Nguyễn Du khi tâm hồn bắt đầu biết rung động vì màu xám của không gian. Yêu cái cửa sổ lớp nhìn ra sân trường đại học có những chiếc lá vàng bay lả tả vào một chiều thu tím. Yêu thật nhiều ly cà-phê của quán Hân trên con phố Đinh Tiên Hoàng mỗi lần tự tưởng tượng mình đang là một “triết gia!”

            Và rồi trong cái tâm hồn đang chuyển dần sang màu xám, tôi vẫn cứ yêu Sàigòn ngây ngất. Sàigòn lúc ấy không còn cô đọng trong tay vói, trong mắt nhìn; mà chính là ảo ảnh êm đềm để nhớ về từ không gian xa xôi của các tỉnh lỵ; là cái nôi thương yêu để úp mặt khi đôi cánh giang hồ rỉ máu; là hạnh phúc và khổ đau trộn lẫn khi tôi vừa muốn rức rảy từ bỏ, lại cũng vừa tha thiết nhớ thương.

            Sàigòn vẫn chỉ giữ ngôi vị độc tôn khi mọi ước mơ trong trái tim tôi đã hoàn toàn biến mất. Chế độ càng gắt gao, luật lệ được ban ra nhiều bao nhiêu thì người dân Sàigòn lại càng tha thiết muốn bảo tồn những cái gì đã mất hay đang mất bấy nhiêu. Những quán rượu lộ thiên mọc lên như nấm. Những quán cóc cà-phê nhan nhản khắp các góc phố, lề đường. Các khu chợ trời đông hơn hội Tết; người mua kẻ bán bâu quanh các món hàng trong cái vẻ giành giật, âu lo.

            Sàigòn càng được yêu nhiều hơn trong ánh nhìn từ một góc xấu nhất. Những cái lều vải lụp xụp căng ra dọc theo các khu Nguyễn Hoàng, An Đông... làm nơi tạm trú của các người dân trở về từ vùng kinh tế mới chẳng thể làm cho Sàigòn tan biến đi nỗi dịu dàng bất chợt của thời gian gần Tết. Những người hành khất dẫy đầy nơi các phố vẫn không làm mất đi màu xanh tuyệt vời của lá trên các con đường có nhiều cây cao.

            Sàigòn càng khổ sở lại càng đẹp! Cái đẹp não nùng đau đớn như giọt nước mắt lăn trên đôi má nhăn nheo của người mẹ già một ngày nhận tin con mình đã chết. Sàigòn càng bi thương càng thêm quyến rũ; y hệt một cô gái đẹp mặc chiếc áo rách mà những chỗ hở lại chỉ làm cho khách đa tình phải đắm, phải say.

            Có những đêm rất khuya, đạp xe trở về từ rạp hát, ghé qua dốc cầu Trương Minh Giảng trước cửa trường đại học Vạn Hạnh, ngồi uống ly cà-phê đen, nhìn dòng đời rơi rớt lại trên một vài sinh hoạt muộn trễ, tôi biết mình vẫn chỉ yêu Sàigòn trên hết. Sàigòn với ngọn gió mang mang của trời tháng Chạp, với các buổi chợ đêm những ngày cận Tết vẫn còn làm tâm tư lao xao trong một nỗi niềm man mác nhớ nhung. (Gió tháng Chạp thì không bao giờ biến thể cho dù thời gian có trôi, xã hội có đổi). Và Sàigòn vẫn ngất ngưỡng ngự trị trong tôi với buổi chiều cuối năm, phố phường bỗng dưng lạnh vắng, không gian như khóc và thời gian như nuối tiếc, thở dài!

            Tuy nhiên, trên hết, Sàigòn không có gì thay thế được với cái đêm Ba Mươi kỳ ảo. (Nửa đời người, trong tôi, có lẽ chỉ tình yêu cho mẹ già và đêm cuối năm Âm lịch của Sàigòn là không bao giờ thay đổi). Ngồi nơi một chiếc ghế thấp của một quán cà-phê nào đó bên vệ đường thành phố, tôi chờ đón giao thừa. Những chiếc xe đạp rộn ràng xuôi ngược. Những đôi chân tất tả trở về. Những con người vội vàng tranh thủ thời gian để kịp bước với một tuổi già sẽ đến đêm nay trên đầu họ. Những mâm hoa quả được bày ra trước các cánh cửa với nghi ngút khói nhang. Và rồi tiếng pháo nổ lên, thoạt đầu lẻ tẻ vài phong, sau đột nhiên nổ dòn đồng loạt. Các tia ánh sáng bắn ra tung toé. Lũ trẻ con giành nhau từng viên pháo tịt. Thỉnh thoảng, một tiếng “đùng” thật lớn của viên pháo đại dội lên và lũ trẻ lại ùa nhau chạy sang một góc phố khác...

            Giao thừa đang đến. Năm mới lại về. Nàng Xuân e ấp dịu dàng trên các chậu mai vàng trước ngõ. Và tâm hồn khách cà-phê cũng rung động dạt dào theo tiếng pháo của đêm Ba Mươi!

            []

 

 

            Ardennes (Belgique).

            Tôi hỏi Daniel: “Anh có nghĩ trong đầu tôi có một sợi dây thần kinh nào đó đang bị lệch?”

            Anh gật đầu. Tự dưng, tôi thấy kinh ngạc khi nhìn cái gật đầu của anh bao hàm xiết bao thông cảm.

            Anh là vị trưởng ban tốt theo cái nghĩa của một tâm hồn nghệ sĩ thực sự. Sau khi qua cuộc tuyển với bốn người nhạc sĩ Âu Châu khác, chỉ tôi và một nhạc sĩ người Pháp gốc Đức là được chọn. Daniel sau đó đã nói cùng tôi: “Tôi sung sướng được làm việc với cô. Sự đau khổ của dân tộc cô khiến tôi thật lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Tôi nghĩ, đó là một đặc ân không phải quốc gia nào cũng có được. Cái vốn liếng đau khổ ấy chính là giá trị làm nên lịch sử sáng ngời cho đất nước cô.”

            Trên một điểm nào đó trong cái nhìn của người nghệ sĩ về cái Đẹp, Đông và Tây cũng đã gặp nhau.

 

 

            Cầu Tre, tháng 12/1978.                  

            Đoàn hát ở Cầu Tre, trạm cuối cùng lưu lại thành phố trước khi mở đầu cuộc lưu diễn dài Miền Tây.

            Địa danh Cầu Tre thuộc quận 6, phía tây thành phố Hồ Chí Minh, cách Sàigòn khoảng 15 cây số về hướng Phú Lâm. Vậy mà so với Sàigòn, Cầu Tre lại thật vô cùng khác biệt. Nơi đây, sau biến cố 75, nhà cửa xiêu vẹo, cái còn cái mất. Dân chúng trông lam lũ chật vật. Đường xá nhiều ổ gà, bẩn thỉu. Và trước khi đến rạp, phải băng qua một cây cầu gỗ từ đường cái dẫn vào; anh em đoàn thường đọc giễu “Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi!”

            Mỗi lần hát ở đây, đêm khuya về, cả đám chúng tôi đều sợ phải băng ngang qua khu Minh Phụng, nghĩa địa Phú Thọ nổi tiếng với nhiều vụ giết người, cướp bóc. Dẫu vậy, dân đi xem hát thật đông. Chỉ điều này mới làm khích lệ anh em đoàn khi tin chắc rằng rồi sẽ được lãnh đêm lương!

            Tội nghiệp chúng tôi, những con người thương vay khóc mướn; mà cũng tội nghiệp cho tất cả những người dân Việt Nam từ sau cuộc đổi đời quan trọng. Kể từ tháng 5/1975, gần như các môn giải trí trong Miền Nam đều ngưng hoạt động. Sách báo chế độ cũ bị tịch thu; thay vào đó là các loại sách báo khô khan đầy tính tuyên truyền cho xã hội chủ nghĩa. Tất cả vũ trường phải đóng cửa. Các hàng quán lịch sự đều bị quốc doanh hóa. Các rạp hát được cho chiếu toàn những phim của thế giới bên kia bức màn sắt còn rất xa lạ với dân chúng Miền Nam.

            Tuy nhiên, các quán cà-phê và quán rượu lề đường lại mọc lên như nấm. Cái hiện tượng “quán cóc” và “dân ngồi quán cóc” lan tràn khắp xứ. Chỉ cần 25 xu tiền mới cho một ly cà-phê “xây chừng” là có thể tiêu được một buổi tối vô vị. Chỉ cần một xị rượu thuốc 50 xu với một đĩa đậu phọng khiêm nhường 10 xu là cũng có thể lãng quên được mọi nỗi đau khổ chung quanh.

            Ngoài ra, không chỉ cà-phê hay rượu mà còn bạn bè nữa. Điều này mới thật là quý trong một xã hội thiếu thốn đủ mọi thứ vật chất. Thật vậy, trong các phần đất của quê hương nghèo khổ, cái gì cũng thiếu, nhưng tình người thì không bao giờ thiếu. Nhất là tình bạn. Nhu cầu bạn hữu vượt cao hơn mọi nhu cầu khác trong đời sống. Người ta dễ dàng mời nhau một ly cà-phê “xây chừng” từ lúc không quen để rồi trở thành bạn thân ngay sau đó. Người ta gặp nhau hằng ngày không biết chán chỉ để nói cho nhau nghe tất cả mọi nỗi niềm thống khổ đang đè ập trên xã hội chung; những điều thật khó lòng thổ lộ với các người thân vì không muốn họ cùng lo lắng hay đau khổ.

            Thú tiêu khiển thứ hai sau các quán cóc của dân Miền Nam là đi xem hát Cải Lương. Với điều này thì dù thành thị hay thôn quê, đâu cũng đều giống nhau ở mức độ thưởng thức. Người ta có thể đứng nối đuôi nhau hằng giờ để chỉ chờ cánh cửa sổ nhỏ xíu nơi ghi-sê phòng vé mở ra; có thể chen lấn, xô đẩy nhau đến rách cả áo để giành mua một cái vé trong số rất giới hạn những vé được bán ra. Số còn lại tất nhiên là chui vào tay giới chợ đen.

            Nạn chợ đen cũng là một hiện tượng gần gũi trong xã hội hiện tại. Chợ đen trở nên là một cái “nghề” kiếm ra nhiều tiền cho một số nhỏ. Chợ đen trong đủ mọi môi trường, mọi giới. Riêng môi trường ca hát thì so với các ngành nghề khác, tính theo tỷ lệ, hiện tượng này cao đến 90 phần trăm.

            Trong đoàn hát, tổ Phòng Vé vẫn được chúng tôi gọi là tổ “giàu” nhất. Tuy nhiên, không chỉ riêng tổ Phòng Vé mà còn có đến hơn hai phần ba nhân viên đoàn tham dự vào cái nạn chợ đen. Mỗi người, từ ban quản trị trở xuống, đều được quyền mua hai vé mỗi đêm theo giá chính thức. Đa số các vé loại này tức tốc được các tay đầu nậu vé mua ngay với giá cao hơn, nhiều hay ít là tùy theo tuồng, rạp và đêm hát. Hôm sau, vé được sang tay cho khán giả với giá gấp ba hay bốn lần đã mua của nhân viên đoàn hát. Rốt lại, chỉ có khán giả là đáng tội nghiệp hơn hết mỗi lần muốn thưởng thức nghệ thuật Cải Lương!

            []