(Bài 1)
Buổi chiều tháng Tư ngày 12 năm 1999, một cú điện thoại từ Santa Ana gọi đến đã được Âu Cơ bất ngờ bắt lên, chuyển cho tôi. (Ở đây tôi dùng chữ “bất ngờ” là bởi đã rất lâu rồi tôi vẫn có thói quen đóng cửa không giao tiếp “thiên hạ”. Các cú điện thoại gọi đến cũng đều bị chung số phận!)
Người đàn ông đầu giây kia nói giọng Hà Nội, tự xưng tên Chung, xin hỏi mua tất cả các tác phẩm của TTBG, tác giả của những giòng văn trong hai tập Một Truyện Dài Không Có Tên “đã cuốn hút tôi đến bỏ cả bữa ăn trên chuyến bay dài từ Los Angeles qua đến Sydney”. Cuộc đối thoại xoay quanh hai tập truyện vừa kể. Đầu giây này, tôi cảm nhận tức thì sự lưu tâm đặc biệt của người đàn ông xa lạ theo những gì tôi đã viết ra. Anh lắng nghe các lời tôi phát biểu, thỉnh thoảng nói lên ý nghĩ riêng bằng cái giọng Bắc ấm áp trong luận điệu e dè, điềm đạm. Các lời nhận xét phô bày tính thông minh sắc bén. Trí tò mò của tôi thức dậy. Từ lâu rồi, tự giam mình trong căn nhà những-người-trăm-năm-cũ, tôi chẳng còn dịp chuyện trò về văn chương một cách hứng thú như hiện đang làm buổi ấy với anh.
Anh bày tỏ: “Đọc tập I, xong tập II, tôi thấy có nhiều điều khác biệt.”
Tôi đợi chờ lời giải thích. “Cái khí văn của tập II không được thanh thoát như với tập đầu.”
Tôi im lặng, sự im lặng tế nhị của một tác giả trước những thẩm định của kẻ khác về một tác phẩm mình đã cho xuất bản. Anh tiếp:
Trong tập II, giọng văn đọc lên nghe nản nản trầm trầm, tạo cho tôi cái cảm tưởng rằng ngòi viết cô không còn có được sự an tâm trong sáng như với tập trước.” Tôi cười nhẹ:
Tập II viết ra sau một cơn khủng hoảng gia đình nên hẳn nhiên không tránh được điều như anh vừa nói.” Tiếng người độc giả xa lạ:
Đọc tập I, thấy mối tình giữa cô và anh Phùng Kim Ngọc quá đẹp, dù đã đi vào dĩ vãng. Và trong tập II, tài năng cùng trí thông minh của TNHoàng với cô đã được vẽ nên rất hài hòa. Vậy, nếu không trách là đường đột, xin cho tôi hỏi, tại sao có điều tan vỡ?” Tôi cười chua chát:
Định mệnh cả anh ạ!” “Cô không buồn? Và không cách gì níu kéo?”, người đàn ông hỏi tiếp.
ôi chợt bắt gặp trong trái tim mình một nỗi đau rất nhẹ: “Không! Mọi sự đã an bài! Nỗi buồn đã có quá đầy đến không còn gì đáng phải buồn hơn.”
Từ bên kia đầu giây, tôi cảm tưởng như nghe ra một tiếng thở dài rất nhẹ. Mãi lâu anh nói: “Cô biết, khi đọc các câu chuyện đốp chát trong Một Truyện Dài Không Có Tên, tôi hình dung ngay tác giả là con người rất ngỗ nghịch. Nhưng với những bài nói về chính mình, sự cô đơn của cô đã trùm lấp tất cả những ngỗ nghịch phơi bày trên các bài đốp chát kia. Tôi nghĩ, đó mới chính là TTBG!”
Tôi im lặng. “Tôi đã làm cô phật ý?”
ôi vẫn im lặng. Và bỗng dưng cảm nhận ra một nỗi ngậm ngùi đang tràn lấn trái tim. Anh lập lại câu hỏi, lần này thêm phần áy náy.
Không đâu!”, tôi bật nói. “Anh đã nhận xét đúng. Cả cuộc đời, cô đơn là hai chữ dính liền với BGiấy như thịt với da!” Cơ hồ, bên kia đầu giây, tôi lại nghe ra một tiếng thở dài khác nữa.
[Thật vậy. Chấp hành nỗi cô đơn từ khi còn rất bé, tôi đã quá quen đến không còn thiết nghĩ gì đến nó. “Je ne suis jamais seule avec ma solitude” luôn nằm trên những khúc quanh định mệnh như một nếp chắn kiêu hãnh. Tuy nhiên, khi có một kẻ lạ bóc trần nó đem đặt trước mặt tôi thì tôi lại thấy như vô cùng sợ hãi. Nhất là ở giai đoạn này, tuổi trẻ không còn, sự đau khổ vẽ hình ghê rợn trên nhiều góc cạnh, sao tôi lại chỉ nghe rời rã mà thấm cảm càng sâu hơn nỗi cô đơn ắp đầy từ trước trong cuộc đời mình?]
Anh đưa ra câu hỏi:
Giữa hai quãng đời trước, sau với hai vai trò nhạc sĩ, nhà văn, cô yêu thích vai trò nào hơn?” Tôi thật thích thú:
“Đây là câu hỏi rất tế nhị, lần đầu tiên BGiấy mới được nghe tới. Vai trò nhà văn hay nhạc sĩ thì đều cũng chỉ là BGiấy. Tuy nhiên, để trả lời câu anh hỏi, BGiấy phải nói rằng mình yêu thích quãng đời làm nhạc sĩ hơn.” Anh tò mò:
Có phải vì trong quãng đời đó có hiện hữu một tình yêu lớn”? “Không hẳn thế.” Tôi bật nói. “Mà phải kể, khi sống với văn chương, BGiấy phải cần nhiều đến khối óc. Còn khi sống với cây đàn, BGiấy chỉ hoàn toàn là con người của trái tim.”
Im lặng một lúc, vị độc giả xa lạ nói nhỏ: “Tôi phải nhận rằng, hơn cả nhà văn và nhạc sĩ, cô đích thật là một nghệ sĩ.”
Giọng anh trầm hẳn: “Chữ nghệ sĩ đúng nghĩa chứ không phải chữ vẫn bị lạm dụng trong giới văn nghệ trước nay.”
Nhận xét về giới văn nghệ hải ngoại trong hai tập Một Truyện Dài Không Có Tên, nguyên nhân chính tạo nên cho tôi sự cô đơn hiện tại, tôi nghe anh nói: ”Tôi chẳng phải là người của giới văn chương nhưng nhận thấy tất cả bọn họ đều dở! Anh nào cũng biết cầm cây viết, tại sao không thẳng thắn viết bài đối đáp, lại cùng nhau cô lập cô như vậy?”
Tôi diễu: “Đó là kiểu làm văn chương VN rất đúng cách!”
Còn cô kiểu nào?”, tiếng người đàn ông đột ngột. Tôi rùn vai:
Kiểu TTBG giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha rất ư là ‘cô độc Tiêu Phong!’” Và tôi kể:
“Bữa ra mắt Một Truyện Dài Không Có Tên tập II, tổ chức tại vườn nhà BGiấy, quy tụ chừng 30 người trong giới văn nghệ San Jose, BGiấy vui miệng nói rằng: ‘Chốn văn chương, tôi ví như chốn giang hồ trong tiểu thuyết Kim Dung. Khi đã chấp nhận bước chân vào trong ấy, một vị hảo hán phải nghĩ đến việc có ngày mình bị buộc rút kiếm chém người, hoặc bị người rút đao đâm ngay vào giữa ngực. Nếu không thế thì nên ở nhà chăn gà chăn vịt an toàn hơn, đừng chen chân giang hồ làm chi nữa.” Giọng anh cao lên:
“Cô nói thế?” “Thật”, tôi đáp. “Sau đó BGiấy tiếp:
Trong chuyện văn chương, ngòi viết của nhà văn chính là cây đao cái kiếm. Mỗi nhà văn có một cách múa bút khác nhau. Điều quan trọng là nên dùng thực lực tài năng mà đối diện giang hồ, đừng kéo bè kết đảng, cô lập kẻ khác, y hệt hành vi của phường thảo khấu lục lâm.” Tiếng cười anh nghe dường thú vị. Tôi bày tỏ:
“Lâu lắm rồi mới được đối thoại cùng ‘một con người thông minh’!” Anh bật cười to. Tôi tiếp:
BGiấy thuộc loại tác giả cô đơn và kiêu hãnh, không cần ai hiểu mình cả. Nhưng nếu có độc giả nào tỏ ra thông cảm với mình thì mình cũng sẵn sàng mổ ruột phơi gan!”
Đột nhiên, người đàn ông xa lạ đưa ra nhận định: “Đọc bài cuối trong Một Truyện Dài Không Có Tên tập I, tôi thật xúc động và tự nói ngay với mình: ‘Đây là người đàn bà có cái tâm hồn rất trong sáng.”
Trái tim tôi thắt lại vô cớ. Ngần ngừ, anh tiếp:
Hình ảnh và sự đau khổ của người con gái trong mối tình Dalat năm xưa sao chỉ làm dậy lên trong tôi một nỗi xót xa.” Câu nói của anh cũng chính là câu tôi từng nghe từ nhiều độc giả, nhưng chưa ai dùng chữ “xót xa” như anh vừa kể.
Anh hỏi: “Cô đang tự do, vậy có bao giờ mang ý nghĩ trở lại cùng mối tình của người đàn ông ngày cũ?”
Tôi hơi ngạc nhiên với một câu hỏi mà lẽ ra trong buổi sơ giao, đã không nên có. Nhưng ngẫm nhanh, tác phẩm là “của mọi người”, vì vậy sự ngạc nhiên mau tan biến. Tiếng tôi dứt khoát:
Không bao giờ!” “Tại sao vậy?”
ôi thành thật: “Mình thuộc loại khi yêu thì dốc cạn tấm lòng cho đối tượng, mà khi đã quay lưng rồi thì cũng không một lần ngoảnh mặt tiếc thương.”
[Có thể rằng tôi tàn nhẫn trên lối nhìn về tình yêu như vậy. Điều này đã một lần, trong chuyến trở về Dalat cùng Âu Cơ mùa hè 1997, tôi đã được nghe Mỹ Vân nhận xét. Hai mươi năm xưa, tôi bỏ Dalat ra đi, hững hờ trên dáng cách mà trọn tấm lòng chỉ là một khối dẫy đầy thương tích. Hai mươi năm sau tôi cắn chặt đôi giòng lệ giữa các kẽ răng, bình thản nhìn TNHoàng bước lên lòng phi cơ, bay về phương trời xa, tìm đến với người đàn bà tình nhân. Cả hai người đàn ông cũ, mới không ai nhận biết được tôi như thế nào trong hai lần ly biệt. Sự tàn nhẫn khởi đi từ điểm đó. Tàn nhẫn với người và với cả chính mình khi tự tay bóp nát trái tim trong một lần quay mặt mà không để cho người đàn ông nhìn rõ nội tâm tôi.]
“Sao anh lại dùng chữ ‘xót xa’ khi đề cập đến bài viết trở về Dalat, đoạn cuối tập I?” Tôi hỏi. “Chữ xót xa này nói lên điều gì và để chỉ cho ai trong ba nhân vật chính?” Anh như dường ngần ngại:
“Tôi có nên bày tỏ?” Tôi cười:
Một tác phẩm không còn là của nhà văn, mà là của chung thiên hạ sau khi nó đã được xuất bản. Trong vị thế độc giả, anh có quyền nói lên tất cả những nhận định riêng trước bất cứ tác phẩm nào anh đã đề ra.” Giọng anh chậm rãi:
“Chữ xót xa, tôi muốn dùng cho cô, nhân vật nữ trong cuộc gặp gỡ tay ba ở Dalat. Chỉ cô là kẻ duy nhất tiếp nhận và hành xử mọi việc xẩy ra đêm ấy bằng cái tâm hoàn toàn vô tội. Nỗi đau khổ của cô vì thế mà dễ dàng tác động lên trái tim độc giả. Còn hai người đàn ông kia...” Anh bỏ lửng câu. Tôi chờ đợi trong một lúc...
au cùng, anh buông thỏng: “Hai người đàn ông kia chỉ là những kẻ đang đóng kịch trước tấm lòng trong sáng của người đàn bà mình đã từng yêu!”
[Tôi chợt như rúng động theo một sự thật vừa được một kẻ lạ vạch ra tàn nhẫn. Điều này, tôi từng đôi lần suy ngẫm, nhưng luôn luôn chối bỏ. Chối bỏ, không phải vì mù quáng, mà chỉ vì không muốn đối đầu thêm với những phũ phàng đưa đến trong định mệnh. Câu nói với hai cô học trò cũ trong lần trở về Dalat mùa hè năm 1997 cứ dội vang trong óc: “Cho đến lúc này cô phải nhận thực một điều rằng, cả hai người đàn ông trong hai mối tình lớn ấy, chẳng ai đủ tài nắm giữ trái tim cô.” Câu này thoạt nghe, thấy mơ hồ không rõ nghĩa, nhưng thật đúng là như thế trong ý nghĩ tôi từ trước. Chữ “tài” tôi dùng, bao hàm cái ý của một đạo đức tâm tư tôi luôn luôn vọng tưởng. Cả hai nhân vật nam trong bài viết trở về Dalat năm 1993 ấy, chẳng ai có được cái “tài” vừa nói. Đó là một sự thật phũ phàng. Và cái sự thật này, cho dẫu trốn chạy, tôi cũng không thể không nhìn ra một lúc nào soi thấu nội tâm.]
Lòng thật ngậm ngùi, tôi bày tỏ với vị độc giả: “Trong tình yêu, sự thủy chung là tính chất đầu tiên cần phải có. Chung thủy với người và cả với mình. Vì vậy mà sau những ê chề nhận lãnh từ tình yêu, BGiấy vẫn không cho phép hiện hữu giữa trái tim mình những nỗi căm hờn, thống hận. Bốn câu thơ của Romain Roland được BGiấy luôn suy nghiệm như một phương châm cho vấn đề tình cảm:
ì có những lúc anh yêu em Em cảm ơn anh
à em ước mong rằng ở nơi khác Anh sẽ được sung sướng hơn.”
Anh tiếp ngay lời tôi:
Đó là thái độ rất trang nhã, tôi đọc từ văn chương cô và nhất là trong buổi hôm nay trò chuyện.” Tôi cúi đầu nói nhỏ, cho mình nhiều hơn với người đàn ông xa lạ:
“Đó cũng là nguyên nhân tạo ra và lưu lại trong đời BGiấy những mối tình rất đẹp, dù rằng cái kết cuộc bao giờ cũng mang dấu ấn của một định mệnh đau thương.” []
Trần Thị Bông Giấy
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CĂN PHÒNG
NHỮNG-NGƯỜI-TRĂM-NĂM-CŨ”
(Trích ĐIỆU MÚA CUỐI CÙNG CỦA CON THIÊN NGA)
(Bài 2)
Thời gian tháng 4/1999, hằng buổi chiều từ Santa Ana, Chung vẫn gọi đến tôi. Rõ ràng trong giọng nói anh, và luôn cả tôi, nỗi hân hoan cùng như lộ rõ. Tôi đã thật ngạc nhiên thấy mình như vậy. Sự lãnh đạm giá băng trong trái tim, lúc bấy giờ không còn chỗ đứng. Cái thói quen không bắt điện thoại từ nhiều năm, được thế vào sự “ngóng trông hoài một cú gọi từ xa” của thời điểm hôm nay.
[Một điều kỳ lạ hơn là trong những câu chuyện với Chung, tôi không hề mang ý nghĩ xa cách. Cùng anh, tôi có thể nói ra tất cả mọi điều không chút e dè, gìn giữ. Với anh, cái cảm giác thân tình hiển hiện như trong những câu chuyện giữa hai người bạn thân một cách rất tự nhiên.
Chưa hề một lần kể từ cái tháng 4/1999 ấy mà tôi nghĩ đến điều “có” anh trong cuộc sống; đồng thời, sự “hiện hữu” của anh trong không gian và trên cả thời gian thấy đã là quen lắm, giống như một sự tìm gặp lại được một điều rất thân yêu mà tôi đã để lạc mất đi từ tiền kiếp nào xa lắc ngày xưa.]
Một buổi chiều ở Cali, chuyện trò với anh nhưng tâm trí tôi cứ mãi nghĩ về “người tình Định Mệnh”. Tôi thú nhận:
Đôi lúc với anh, BGiấy cảm nghe sờ sợ...” Anh cười:
TTBG mà còn biết sợ sao?” Tôi thành thật:
Từ anh đã tạo nên cho BGiấy cái ấn tượng anh thật là hiền ái để có thể làm vui lòng BGiấy bất cứ điều gì mình muốn, nhưng cũng thật nghiêm trang để BGiấy phải quy phục mọi ý muốn của anh.”
[Nói câu này là tôi vô tình liên kết anh trong cái nhìn về “Khuôn-Mặt-Định Mệnh”, hoặc đúng hơn là “nửa-mảnh-hồn-tôi”, tôi đã đi tìm trong suốt kiếp. Một cảm giác đè nặng trái tim khi hình dung những cơn thịnh nộ đã quá quen nơi “người ấy”. Đồng thời, nỗi bướng bỉnh thách đố với “kẻ kia” cứ lồ lộ hiện hình giữa óc não tôi.]
Chung cười qua điện thoại: “Con người sao mà thật bất thường như mây bay gió thổi!”
ôi cũng cười: “Đọc sách BGiấy ít ra là hai cuốn mà đến bây giờ anh mới biết sao?”
à không muốn tỏ thật ý nghĩ mình, tôi nói lấp đi: “Sợ, vì thấy như bị hụt chân trong ý nghĩ đang sắp sửa đánh mất sự cô đơn thanh thản vẫn tìm ra khi sống trong thế giới của những người trăm năm cũ.”
Anh im lặng. Mãi sau nói: “Tôi không trách gì TNHoàng ngoài một điều duy nhất rằng sao lại đẩy cô vào chốn giang hồ gió tanh mưa máu rồi lại bỏ cô bơ vơ một mình trên mọi chống trả”.
[Thật nhanh, chữ “bơ vơ” đã làm bật sinh trong trái tim tôi những vết cào đau đớn. Anh không giải thích rõ, nhưng tôi hiểu cái ý sâu sắc trong câu nói ấy. Tôi định bảo: “Anh nên cảm ơn TNHoàng, bởi bây giờ chúng mình biết nhau là cũng nhờ vào điều bỏ rơi ấy”, nhưng rồi lặng im, sợ anh ngộ nhận cho rằng tôi suồng sả.]
Tôi bày tỏ:
Khi nhận ra dấu ấn khắc nghiệt mà Định Mệnh đã ghi trên trán, BGiấy đâm thương tất cả những ai liên hệ đến mình. Đặc biệt với các người đàn ông đi qua đời, BGiấy không mang chút nào oán hận sau khi đã chia xa cùng họ. Nghĩ, nếu không ‘dính’ vào BGiấy, thì dưới bàn tay khắc nghiệt của Định Mệnh trong đời BGiấy, đã chắc gì họ bị là nạn nhân?” Anh nhỏ giọng:
“Cô là một người rất có lòng. Tôi tiếc giùm cho các người đàn ông kia đã không đủ phúc để giữ được cô.” Tôi thở dài. Giọng anh dịu ngọt:
Sao cô lại thở dài? Cô có biết rằng tôi rất thích giọng cười vỡ vụn của cô, nhưng với cái thở dài thì lại không quen nghĩ rằng cô đã có?” Tôi ngạc nhiên:
Sao vậy?” “Bởi, tiếng cười vỡ vụn đã là biểu tượng cho một tâm hồn trong sáng nơi cô; làm sao còn chỗ nào cho tiếng thở dài chứ?”
Tôi thú nhận: “BGiấy luôn tự hỏi không biết những gì mình đang có được rồi sẽ dẫn tới một ngã rẽ nào? Chỉ mong mọi thứ đừng trôi đi nhanh quá. Những gì đang có chính là kỷ niệm những buổi chiều chờ nghe tiếng điện thọai của anh như trong những buổi chiều hôm nay.”
Lập tức, tôi lượt soát nhanh những gì đã trôi qua trong quá khứ. Không phải với Chung thôi, mà còn là với tất cả các người đàn ông từng gặp trong đời từ trước, bao giờ tôi cũng có cùng câu hỏi và cùng niềm mong ước. Đó là một kiểu lập lại của “lịch sử”, nhưng càng về sau, cái cường độ “ước mong” càng bị rút nhỏ đi theo những nỗi tan hoang hy vọng từng nhiều lần nhận lãnh trước kia.]
Tôi trầm giọng:
Bản chất con người vốn đa diện, nhất là ở những nhà văn, nghệ sĩ. BGiấy luôn xét người và đến với người bằng cảm tính, trực giác chứ không bằng lý trí (dù rằng cái trực giác này rất nhiều lần lừa gạt BGiấy). Hoặc có hoặc không, chứ chẳng bao giờ nửa vời trong một tình yêu, một tình bạn...” Đầu giây kia, anh như dường chờ đợi...
Tôi tiếp: “Với anh, ngay từ buổi nhận cú điện thoại đầu tiên của anh, BGiấy đã cảm nhận điều CÓ vừa nói. Một người bạn mà mình đã mong chờ mòn mỏi trong cái xã hội hiện tại, nơi con người bị lôi cuốn quá nhiều bởi vật chất bề ngoài mà quên hết cái phần sâu kín tâm tư.”
Nói cùng anh mà tự dưng tôi lại thấy bùi ngùi cho chính mình không ít. Với tôi, “nửa mảnh hồn riêng” được đặt nặng bằng hai chữ Tri Âm trên cả hai ý nghĩa của Tình Yêu và Tình Bạn. Thời tuổi trẻ, tôi không ý thức ra điều đó. Cứ ngỡ hai thứ tình là khác biệt. Dù vậy, ngay cả với Tình Yêu, từ thuở ngày xưa tôi cũng đã có tư tưởng: “Tình Yêu là một cái Đẹp (giữa muôn ngàn cái Đẹp) để tôi chiêm ngưỡng. Chỉ chiêm ngưỡng thôi mà không mong nắm bắt! Cái Đẹp bao giờ cũng vẫn là điều đáng mê nếu con người đừng muốn đem dập vùi nó trong thực tế cay đắng”.
Thì với ý nghĩ trên, có phải một cách vô tình, tôi đã đồng hóa Tình Yêu với một thứ Tình Bạn “chỉ biết xẻ chia cho nhau những nỗi niềm mà không là chiếm hữu đời nhau trong bổn phận, trách nhiệm”? Bây giờ, đã chín muồi mọi khổ đau trong đời do Tình Yêu mang lại, tôi mới nhận ra rằng thứ Tình Bạn song hành kia mới là điều đem cho tôi nhiều an ủi êm đềm, và vai trò Người Bạn trở thành vô cùng cần thiết với tôi. Tôi vẫn yêu Một Người Bạn –nếu không gọi rằng hơn thì cũng không là kém- như từng yêu Những Người Tình thuở trước (hẳn nhiên ở đây nói theo cái nghĩa tâm hồn thuần chất). Thêm nữa, trong Tình Bạn, tôi thấy mình được tự do thoải mái rất nhiều so với Tình Yêu.
Điểm bất hạnh của tôi chính là ngay cả những người tạo ra thứ Tình êm đềm đó, tôi cũng dường như không có mấy cơ may để gặp. Một Người Bạn Chân Thành đúng nghĩa rõ ràng là khó tìm trong cuộc đời đầy dẫy Những Người Yêu Dang Dở của tôi!]
Giọng Chung nghiêm trang pha niềm xúc động:
Hãy cứ tin rằng sau những đắng cay, phải có lúc cô được đền bù xứng đáng.” Rồi một cách thật bất ngờ, anh bày tỏ:
“Con chim nào cũng cần có một cái tổ để bay về, con người nào cũng cần có một mái ấm để trú ẩn. Chẳng lẽ cô cứ sống suốt đời cô đơn như vậy? Nhỡ đêm hôm bệnh hoạn, lấy ai săn sóc?” Tôi cả cười:
Trời sinh voi sinh cỏ! Lo gì chuyện mai sau chứ?” Điệu ngậm ngùi hơn, Chung nói, sau một hồi im lặng:
“Một ngày nào nơi mái nhà cỏ ở ấp Thái Hà, Hà Nội, nghe tiếng gõ cửa, mở ra thấy một bà lão đang chống gậy đứng trước mặt, tôi cũng sẽ rất vui mừng mà đón cô vào. Tôi mong lời nói bây giờ của tôi sẽ luôn luôn được cô ghi nhớ.” []
Trần Thị Bông Giấy
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CĂN PHÒNG
(Bài 3)
Tối ngày 13/5/1999, từ đầu giây Santa Ana, Chung gọi báo:
“Ban chiều đi khám bác sĩ, tôi được xác nhận cái điều bấy lâu vẫn nghi ngờ là thật: tôi bị vướng vào chứng ung thư máu.” Đầu giây này, tự nhiên tôi thấy lòng rúng động. Hình dung thật nhanh nỗi trống vắng trong những buổi chiều không còn được nghe tiếng điện thoại reo mà se thắt trái tim. Giọng anh vẫn đều đều không rung cảm:
“Con người sống chết có số. Tôi mong cô chẳng nên lấy đó mà buồn làm chi!” “Làm sao không buồn cho được?” Tôi kêu lên. “Anh tưởng BGiấy là người có trái tim sắt chắc?”
Anh cười khan: “Bác sĩ bảo chưa đến nỗi nào nếu tôi chịu đi làm radiation, thay máu. Ông khuyên bỏ thuốc lá, nhưng tôi đáp: ‘Tôi chỉ còn cái đó làm vui, giờ bác sĩ bảo bỏ, làm sao có thể thi hành?’”
Và anh lại cười, cái cười hòa lẫn trong tiếng rít từ điếu thuốc lá ngậm nơi đầu môi. Tôi im lặng.
[Có một nỗi tê tái lan ra khắp cơ thể. Hình ảnh “người tình Định Mệnh” như đang lộ hình rõ rệt với lòng ghen dằn xé. Cái trò trêu ngươi tàn nhẫn, tôi từng quen thuộc, vậy mà thêm một lần nữa đối diện khuôn mặt Định Mệnh buổi nay, tôi thú nhận đã không thể nào kềm giữ được sự run rẩy của trái tim.]
Giọng tôi ngần ngại:
“Anh nên theo lời khuyên của bác sĩ...” Tiếng cười Chung nghe giễu cợt:
“Không ngờ TTBG có lúc lại tỏ ra mềm yếu quá.” Trái tim bất ngờ oằn xuống, tôi bật nói :
“Nếu sau này anh chết đi, không biết rằng có ai tiếc nhớ, chứ riêng BGiấy thì nỗi tiếc nhớ đó sẽ thật ngậm ngùi ghê lắm....” Qua điện thoại, sự im lặng từ anh giống như câu hỏi “Tại sao?” là điều tôi cảm nhận. Tôi đáp hờ hững:
“Một-nửa-mảnh-hồn-tri-kỷ-tri-âm đã phải mất đi theo cái chết của anh thì còn gì đáng nói nữa đâu!” Đầu giây kia, tiếng anh mai mỉa:
“Những lời ‘TTBG lúc này’ mà lọt vào tai một anh chàng nào đó thì hẳn anh ta sẽ rất lấy làm đắc ý!” Tôi phá lên cười:
“BGiấy nói thật, anh không tin?” Giọng anh diễu cợt:
“Tin chứ. TTBG nổi tiếng thành thật mà!”
[Tôi không muốn đi sâu vào câu đã thốt với anh, nghĩ cũng không cần thiết. Những lời thư của cô em gái ở Bruxelles hiện lên từng chữ trong óc: “Mỗi người sinh ra là đã có nửa con người của mình thất lạc đâu đó và lúc nào cũng cứ đi tìm...” Bây giờ “nửa con người” này của tôi, qua những buổi chiều chuyện trò điện thoại, qua các lời thư trao đổi đã thấy lộ ra dần từng nét trùng giống với vóc dáng “người tình Định Mệnh”; thật gần mà cũng thật là nghìn trùng xa cách.]
Tôi trầm giọng: “Trong khi tất cả mọi con người trong giới văn nghệ hải ngoại đều đồng loạt quay lưng với BGiấy thì anh, một độc giả, đã tự ý ‘đi tìm’ để đánh thức dậy nơi BGiấy một cái gì từ lâu im ngủ. Anh tỏ ra hiểu thấu tâm tư sâu kín nhiều uẩn khúc trải dài trên những giòng chữ im ỉm BGiấy đã viết. Đó là điểm rõ rệt để BGiấy mang trong lòng mình nỗi cảm kích rất sâu đậm theo anh.”
Anh im lặng. Tôi tiếp: “Trong đời, sống đã nhiều, gặp cũng rất nhiều, nhưng thật khó để BGiấy nghĩ rằng mình tìm được đúng con người cho mình muốn gặp. Nửa bàn tay cũng không đủ! Luôn luôn vẫn có một cái gì làm cho lấn cấn để mình phải tự rút lui khỏi những giao thiệp, trở về yêu ngay nỗi cô đơn của chính mình, thấy an lòng hơn.”
Đầu giây kia, tôi nghe rõ tiếng thở dài rất nhẹ: “Cảm ơn cô!”
Giọng anh nghe càng thêm nhỏ, như tiếng thì thầm của một linh hồn từ đáy mộ: “Tấm lòng cô dành cho đã là tặng phẩm đặc biệt cuối đời mà không bao giờ tôi ngờ tới, không bao giờ hình dung ra nổi. Nên sẽ mang theo mãi, dù mai đây có đi đến thế giới nào.”
Trái tim tôi oằn xuống theo những lời nói cuối. “Một thế giới nào...”
Bốn chữ đơn giản nhưng rõ ràng đã vẽ ra cho thấy cả một trời mênh mông ly biệt! Dù vậy, chẳng đợi đến “một thế giới nào”, mà ngay từ chính lần trò chuyện hôm nay, sự biệt ly đã là đầu mối cho tất cả những gì đang đưa đến giữa tôi và anh. *
* * Buổi chiều nhìn những cụm mây trôi lãng đãng về chân trời xa thẳm, tôi đọc lên cho Chung những lời trong một bài hát đang nghe:
“Đừng xa nhau Đừng đi mau
Để mãi mãi là chiếc bóng đậm màu Còn theo nhau tới muôn đời sau.”
Tâm tư bỗng như quặn lại trong một niềm đau vô cớ. Tôi cười héo hắt:
“Văn chương VN quả là tuyệt diệu. Chỉ mỗi chữ Đừng trong bản nhạc mà đã nói lên trọn vẹn được một sự van nài thống thiết. Và tiếng van nài này không phải hướng về con người mà chính là Thượng Đế. Cũng chỉ duy nhất Thượng Đế mới có thể giải quyết cho con người những điều van vỉ kia thôi.” Từ anh, một tiếng thở dài rất nhẹ:
“Nếu bảo theo kiểu người VN xưa thì rõ ràng giữa cô và tôi đã có một thứ duyên tiền định.
[Tôi vẫn ưa cái cách dùng chữ “Tôi” của anh, nghe như xa vời mà cũng là thật nhiều gần gũi. Vừa nghiêm trang cách biệt lẫn cả dịu dàng bảo bọc. Bằng thứ trực giác bén nhậy của một con người đã kinh qua quá nhiều ngõ ngách tình cảm, tôi biết trong anh –và có lẽ cả tôi- đã có “sự thay đổi”. Dù vậy, thật lòng tôi cũng chẳng muốn đổi thay chút nào trên hình thức. Cái Đẹp chỉ có ở mức độ lơ lửng của nó mà thôi.]
Tôi bỗng phá lên cười, cái cười vỡ vụn vẫn quen dùng với anh trong mọi câu chuyện từ trước. Và nói: “Rủi, mà cũng là may cho cả anh lẫn BGiấy khi cái tiền định kia đã đưa đến với chúng mình quá trễ...”
[Một lời nói đùa và cũng là nói thật. Tôi không muốn phân tích với anh về cái Rủi cái May, nhưng tự mình ngẫm nghĩ. Ba mươi năm xưa nếu gặp anh, đã chắc gì tôi nghĩ đến anh khi tôi đang có trong mình những nông nổi hời hợt của một đứa con gái quen được đàn ông chiều đãi. Và anh, với cái tính cách nghiêm trang kiêu hãnh như tôi hiện biết, hẳn sẽ không bao giờ muốn đến gần tôi. Đó là tính Rủi.
Còn ngày nay, cuộc sống anh đang gần kề cái chết và tôi thì đang ở đỉnh cao những chống trả cam go với cuộc sống đó, cớ sao lại gọi là May? Nếu phân tích hoàn cảnh của ba mươi năm sau thì phải thế này: Chữ Rủi nói lên tính thời gian đến trong đời nhau quá ngắn. Nhưng May bởi vì như trên đã viết, chính Tình Bạn nẩy sinh từ sự ngẫm suy của Lý Trí mới là điều tôi cần thiết, và cái tình ấy chỉ có thể nhận định được sau một quãng đời dài đối diện Tình Yêu với những đam mê sôi nổi của Trái Tim.
Anh đến với tôi trong giai đoạn mà tôi đã quá ê chề trên mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tâm hồn và chữ nghĩa. Tâm tư ứ tràn những nỗi nghi ngờ sợ hãi. Sợ hãi con người và sợ hãi tất cả cuộc đời... Vì vậy, sự Tri-Âm mới là rõ nét giá trị để cho tôi bắt gặp từ anh.]
Buổi chiều, khí trời lành lạnh phủ trùm căn phòng những-người-trăm-năm-cũ. Dễ đã gần ba mươi năm, kể từ tháng 4/1976 ở Sàigòn biền biệt, tôi mới tìm thấy lại nỗi rung cảm của mình trong một cuộc chuyện trò với một người bạn. Những câu chuyện “nói cuồng khi nhìn chiều rơi trong nền mây biếc. Những câu chuyện quen thuộc của một đời người mà cũng là rất mới lạ của buổi hôm nay.”
Tôi hỏi Chung, điệu đùa cợt: “Có bao giờ anh thấy nhớ một người bạn một cách da diết?”
Anh cơ hồ ngạc nhiên, nhưng chỉ lặng im bên kia đầu giây. Tôi cười, tiếp: “Còn BGiấy thì bây giờ mới có: Nhớ anh, một người bạn cách xa đến hàng trăm dặm!”
Và nghiêm trang hơn: “Cái nhớ nẩy sinh có lẽ là do mình không còn thì giờ sống cho chính mình nữa. Chứ nếu có...”
Rồi bỏ lửng câu trong tiếng cười vỡ vụn. Anh nói khẽ:
“Nếu có...?” Tôi lặng im với anh nhưng thầm nói với mình: “Nếu có, BGiấy đã tìm đến anh để chụp bắt mau những ngày giờ cuối cùng quý giá bên anh!”
[Thật, tôi nhớ anh, nỗi nhớ da diết, dù rằng đang đối thoại với anh trong một buổi chiều đầu Xuân rất đẹp vẫn còn đầy những chiếc lá vàng tan tác cuốn bay trong gió. Cái nhớ của một lần quá-khứ-hôm-nay. Tôi nhớ anh, bởi vì rồi đây sẽ phải mất! Sự chụp bắt khởi đi từ ý niệm “mất” đó. Chụp bắt một cái Đẹp vô cùng của một thứ Tình Bạn suốt đời tôi tìm kiếm. Chụp bắt một hạnh phúc mong manh từ một Kẻ Tri-Âm mà cuối cùng tôi tin rằng mình đã tìm ra.]
Rõ ràng là anh trầm ngâm như đang mất hút vào một cái hố nghĩ suy nào đó. Mãi lâu, anh nói nhẹ:
“Có một điều tôi ao ước làm ngay bây giờ là được ngồi cạnh bên để nắm lấy bàn tay cô!” Tiếp theo đó là một tiếng thở dài rất nhẹ:
“Những ngày mới chuyện trò với cô, đã từng có lần tôi nghĩ, nếu bây giờ Thượïng Đế bắt tôi chết thì xin được chết sau cô. Tôi không chịu đượïc với ý nghĩ để cô lại cõi đời này một thân bơ vơ không ai bầu bạn...” Anh bỏ lửng câu.
[Trái tim tôi bỗng rung động dạt dào khi nghe từ anh lời nói đó. Qua giọng anh, trước mặt tôi cơ hồ thấp thoáng bóng hình “người đàn ông tôi đã đi tìm trong suốt kiếp.” Một nhân dáng vắng-mặt-hiện-diện trong gần trọn chuỗi đời bão táp. Một con người đã buông tiếng thở dài –điệu thở dài đầy cam chịu- theo những tiếng lòng thống khổ trong tôi.]
Một thoáng thật nhanh, tôi giao cảm được rõ ràng nhữõng gì anh đang suy nghĩ. Mọi chuyện trong đời đều chỉ là do Duyên và Nghiệp. Không ai thoát khỏi cái vòng chi phối của hai chữ Duyên Nghiệp.
[Từ lâu, khi vẽ hình “người tình Định Mệnh”, tôi vẫn mường tượng sự cô đơn không chỉ trong tâm hồn “người ấy” mà còn là lộ nét đến như có thể sờ mó được trên cả bề ngoài dáng dấp. Với Chung, một con người “như một cái bóng âm thầm bên lề cuộc sống” (theo lời anh kể) cuộc hôn nhân tan vỡ từ khi còn trẻ, 15 năm lưu lạc xứ người không có lấy bên mình một người thân, người bạn... thì nỗi cô đơn của anh cũng chẳng khác nào nỗi cô đơn tôi cưu mang từ đã rất lâu. Đó là cái Nghiệp của tôi –và anh, cùng có chung sắc thái trùng giống với Người Tình Định Mệnh được tôi vẽ hình trong óc. Còn cái Duyên? Giờ đây mỗi người tôi-anh đều không nắm gì được trong tay để có thể làm thành một món quà tặng cho nhau trong cái Duyên tri ngộ hôm nay. Không chỉ cuộc sống anh gần kề cái chết thôi, mà luôn cả tôi cũng chẳng còn gì ngoài một xác thân tàn tạ và những giấc mơ tuổi trẻ đã vỡ tan ra từng mảnh vụn nhưng vẫn cố bám vào các thành quách tâm hồn một cách tuyệt vọng.
Tuy nhiên, trong cái “cạn” kia đã có cái “ắp đầy” vời vợi. Trong một giây, từ anh, bóng hình “người tình Định Mệnh” bỗng thấy thấp thoáng, nhạt nhòa như khói sương, mơ hồ như ảo ảnh. Con người với “vóc dáng cao gầy, khuôn nét lặng lẽ, vuốt tóc tôi khi tôi cười và lau mắt cho tôi mỗi lần tôi khóc.” Con người như một cái bóng, thủy chung đeo đuổi sau lưng, đợi chờ để nâng tôi dậy sau mỗi lần bị cuộc đời đánh gục tang thương.]
Mải nhìn mây bay qua cửa sổ, tôi im lặng thật lâu.
Giọng anh quan thiết: “Sao cô không nói gì nữa?”
Tôi vẫn im lặng. Anh tiếp: “Những khi cô im lặng, tôi có cảm tưởng như cô đang bay mất!”
ôi bật cười: “Sở dĩ BGiấy chỉ nghe mà không nói là muốn giữ lại nhiều hơn cho mình những kỷ niệm nếu mai này không còn nhìn thấy anh lần nào nữa trong đời.”
[]
Bài 4 - 5 - 6 >>
Trang chính >>