TÀI HOA MỆNH BẠC

(Tập I, II, III)

 

TRẦN THỊ BÔNG GIẤY

(Biên Soạn)

 

 

 

 

 

 

 

TỰA

 

 

            Từ cổ chí kim, từ Đông sang tây, “Tài Hoa” và “Đau Khổ” vẫn là hai chữ ghép liền với nhau trong định mệnh người nghệ sĩ. Điều này giống như một quy luật đặt ra của Thượng Đế mà kẻ được Ngài chọn để trao cho một tài năng hãn hữu đã khó lòng cưỡng chống. Bên phương trời Tây, nhắc đến Beethoven, người ta nghĩ ngay đến những nhạc phẩm vĩ đại đi kèm với cuộc đời gian nan không ngừng của nhà nhạc sĩ. Nói về Dostoievski, khó ai phủ nhận được tính chất giông bão trong cuộc đời nhà văn dữ dội chẳng khác nào cuộc đời các nhân vật trong những tác phẩm bậc thầy của ông. Trong nền văn chương thâm thúy vô tận của Đông phương đã từng có một Lý Thương Ẩn, một Đỗ Phủ với những vần thơ trác tuyệt bên cạnh cuộc đời đa phen sóng gió; một Nguyễn Du với cái tài hoa và cái tai ương đeo đẳng liên hồi; một Tư Mã Thiên với những trang sử hùng hồn mà số phận phải đeo mang cái án “hũ hình”(*) ghê gớm; một Cao Bá Quát thi tài lừng lẫy, thăng trầm ngang dọc, phút cuối cùng trước khi bước vào cõi chết, tiếng nói phát ra vẫn chỉ là thanh âm của những vần thơ!

            Rồi còn biết bao nghệ sĩ hàng đầu khác... Những Mozart, Van Gogh. Những Púshkin, Edgar Poe. Những Charlotte Bronte, Nguyễn Trãi. Những Lưu Quang Vũ, Byron. Những Chopin, Hàn Mặc Tử. Những Maiakovski, Rimbaud. Những Maupassant, Vương Bột. Những Balzac, Modigliani. Những Emily Bronte, Nhượng Tống. Những Samuel Beckett, Hemingway. Những Schubert, Kierkegaard. Những Toulouse-Lautrec, Paganini. Những Khái Hưng, Marcel Proust. Những Delacroix, Tô Đông Pha..v.v.. Những người nghệ sĩ lớn ấy, dù Đông hay Tây, dù kim hay cổ cũng đều gặp nhau trong sự việc cùng nhận chung một dấu ấn của Thượng Đế. Một thứ dấu ấn đặc thù vượt bực mà đấng Hóa Công chỉ dành riêng cho họ.

            Vậy họ là ai? Có phải là những con người đã được Thượng Đế yêu thương hơn hết khi ban cho một tài năng rộng lớn? Hay chỉ là những kẻ bị Ngài đày đọa theo một thứ định mệnh lao đao bi thảm không ngừng?

            Nhưng dẫu họ là ai thì đối với nhân loại bình thường, họ cũng đã là những người có công lớn trong việc đem ánh sáng nghệ thuật vào một đời sống phàm trần quá ư nhàm chán. Họ làm linh động sự sống, làm thăng hoa tâm trí. Họ làm sâu sắc tư tưởng và tạo nên ngõ thoát cho con người vốn rất dễ bị cùng đường vì những điều phiền não, nghĩ suy.

            Nghệ thuật thì vô tận và cuộc đời cùng tài năng những- con-người-định-mệnh lại thật bao la phong phú. Với tập sách nhỏ này, người viết không dám hoài vọng làm nên đầy đủ công cuộc trình bày như mong ước, mà chỉ dám đưa ra bằng tất cả cẩn trọng và say mê trên những tìm tòi hiểu biết giới hạn riêng mình về cái thế giới của những con người thiên cổ lưu danh.

            Tập thứ nhất trong loạt chủ đề như vậy, chúng tôi xin giới thiệu những thiên tài vĩ đại đã đến trong cuộc đời như một vầng thái dương sáng chói và cũng biến nhanh khỏi cuộc đời như ánh sao đêm vụt tắt giữa bầu trời đen tối. Sự giao duyên của họ với cuộc đời thì rất ngắn ngủi. Ngắn ngủi nhưng vô cùng đầy đủ. Và họ đã để lại cho nhân gian biết bao gia tài vĩ đại. Vĩ đại như chính tài năng và những khổ đau mà họ phải cưu mang.

            Công việc đòi hỏi sự say mê và óc tìm tòi thận trọng, nhưng vẫn không đủ để diễn tả cho hết nỗi ngưỡng mộ và biết ơn mà các thiên tài này đã tạo ra trong lòng người viết, cũng như trong lòng hậu thế. Ước mong quý độc giả bỏ qua cho những thiếu sót hẳn phải có và xin hãy cùng người viết chiêm ngưỡng cái gia tài nghệ thuật bây giờ không còn phải là của riêng ai.

 

(San Jose, California, 30/9/1992)

Trần Thị Bông Giấy

[]

 

 



(*)  Án Hũ Hình là bị thiến

 

 

Lời Tựa


Edgar  Allan Poe
Emily Bronte
Lermontov
Paganini
Paul Gauguin 1 - 2 - 3
Pushkin 1 - 2
Mozart
Modigliani

Trang chủ