Ngày 13 tháng Tư 2008
Nowhere Man :
hôm nay nằm mơ Trong thoáng một lúc thấy mình mất trí nhớ, Thức giấc buồn xé ruột, buồn như ngày mới ra đi... Tất cả bạn bè cũ mới, xa gần, Sáng nay mới thấy lại
mơ thấy ngày chủ nhật đi sửa giùm cái máy vi tính cho một người đồng nghiêp,
rồi lại thấy đang chuẩn bị tập thiền với nhóm
nhưng lại lãng tránh bỏ về nhà.
Khi trở về đi tìm quanh quẩn tìm mãi không thấy nhà ở đâu,
Khi tìm ra, cửa nhà lại khóa hờ
vào nhà
thấy vắng
vợ con đi đâu hết,
chỉ có cái radio đang phát ra tiếng nhạc rè rè yếu ớt.
cứ đi quanh quẩn trong nhà muốn tìm cái gì đó
mà không biết mình đang muốn tìm cái gì !
Té ra cứ lay hoay muốn tìm cái áo lạnh để mặc đi ra đường
để đến nhà người bạn nào đó
cho qua buổi chiều ngày chủ nhật hôm nay
nhưng rồi chẳng biết ai là người mình có thể đến,
mà cũng chẳng có ai cả !
buồn như buổi chiều lần đầu tiên rời VN, khi máy bay đang bay trên không phận Thái Lan.
Thức giấc thấy lại căn phòng đang sống,
nhìn thấy hai cái laptop bên cạnh giường đang nhấp nháy nút standby,
Như môt người đi xa trở về, thấy ấm áp khi tìm gặp lại những đồ vật quen thuộc
Nhưng dư âm của cuôc du hành vẫn còn,
nỗi buồn phiền vẫn còn vấn vương giây phút.
những tình nhân quen biết
chỉ là những lớp áo
Thật sự vết thương vẫn còn nguyên vẹn trong đâu đó sâu thẳm
và mới hiểu
thế nào là nỗi cô quạnh một mình.
Thiền Mỗ : If You Go Away ...
"... There'll be nothing left in the world to trust,
Just an empty world, full of empty space... "
Vua : Tất cả đều chuyển động thay đổi. Phải chăng sự thay đổi này chính là sự Chết ?
Nowhere Man : Có lẽ vậy ! Không có gì để tin và dựa vào được ( There'll be nothing left in the world to trust ) chỉ có sự Chết là thật và sự Chết đứng chờ mỗi người chúng ta, đứng chờ mọi vật, ở cuối đường. Đó là tấm gương kiên nhẫn cần phải học theo.
Thiền Mỗ : Sự Chết không phải là sự thay đổi mà là cái gì đó ẩn dấu trong đó. Có lẽ đó là sự ràng buộc. Sợi dây ràng buộc vào quá khứ, vào những điều đã biết, sự nắm giữ và nuối tiếc cái gì đã đi qua. Khi cắt đứt, con người cảm thấy như đối diện với sự Chết.
Vì một quyết định của ý chí, nếu sợi dây ràng buộc vào quá khứ này được cắt đứt, và cắt đứt luôn sự mong chờ điều gì đó mà tương lai sẽ mang lại, chúng ta sẽ có thể chỉ nhìn vào hiện tại.
Sự mong chờ vào tương lai phải chăng là kết quả của những kinh nghiệm trong quá khứ ? Bạn đã trải qua một thời gian hạnh phúc trong quá khứ, thế nên bạn sẽ luôn mong mỏi điều này cứ mãi mãi xảy ra. Hay ngược lại trong quá khứ, bạn đã phải gánh chịu nhiều khó khăn, nhiều đau khổ. Thành ra hiện tại, bạn chỉ mong sao có một tương lai sáng sủa hơn.
Hai sự việc vẫn như nhau; chỉ có hình tướng khác nhau mà thôi.
Vua : Nhưng đó là những phản ứng tự vệ, tự bảo tồn của thiên nhiên ?
Thiền Mỗ : Chúng ta đã ăn trái cấm. Trái cấm đó là chìa khóa để vào khu rừng của kiến thức, của hiểu biết. Và chúng ta lạc mất lối ra.
Anh Học Trò Làm Biếng : Làm sao giảng giải được Sự Chết ? Để thỏa mãn cho lý trí hay để trấn an tâm hồn, những huyền thoại trong nhiều tôn giáo viết rằng, từ nguyên thủy ( in illo tempore ), con người vốn bất tử, cho đến khi vì phạm một lỗi nào đó ( Genèse ) hay một bất cẩn, hay chỉ vì một cuộc phiêu lưu mạo hiểm xui xẻo (như trong thần thoại người Úc Châu và người Phi Châu), Thượng Đế/ hay Những Thượng Đế đã gán buộc cho loài người Sự Chết. Tất cả cũng chỉ để con người tìm lại được trạng thái nguyên thủy lúc đầu.
Sự tan rã biến đổi của thân xác chứng tỏ cho người còn sống về cơ cấu trạng thái của mọi vật. Trong tín ngưõng của người Âu Châu, do ảnh hưởng của Hy Lạp, con người là tập thể của xác, lý trí và tâm hồn. Người Phi Châu lại cho rằng con người là tập hợp của nhiều yếu tố và những yếu tố này lại thay đổi tùy theo bộ lạc, tùy theo chủng tộc ( gồm có : xác, tim, hơi thở, bóng, tinh thần, ..v..v.. ), trong khi người Phật Giáo thì đó chỉ là tập hợp của ngủ uẩn ...v..v..
Trong những tập hợp khác nhau này, ai hay cái gì đó sẽ vượt qua sự Chết để tiếp tục sống qua bên kia thế giới ? Có phải cũng tùy theo khi chết như thế nào, chết bất đắc kỳ tử, chết yểu, chết vì tai nạn, chết già, chết vì tự tử ... - Theo người Công Giáo, kẻ nào tự tử thì bên kia thế giới sẽ chịu những trừng phạt mãi mãi. Cũng vậy, trong đức tin người Hồi Giáo, những hình phạt trong địa ngục sẽ dành cho những kẻ nào tự sát. Ngược lại, tôn giáo tín ngưỡng của người Tàu và người Nhật đôi khi lại ủng hộ sự tự sát.
Người Hy Lạp ( theo Hadès ) người chết chỉ là những cái bóng không sức lực, không trí nhớ, và trùm vào đó sự tối tăm. Cũng vậy, theo Kinh Thánh của người Do Thái xưa, đời sống sau khi chết chỉ là một sự hiện hữu tối tăm, bất động, không thực chất ( Psaumes 143,3; Job 10, 21; 26, 5). ....
Thiền Mỗ : Úi chu choa ! Hôm nai anh choàng nài mở rộng kiến thức choa Thiền Mỗ đấy ....
Vua : Nếu có sự Chết thì sự sống là gì ? Sức mạnh giúp chúng ta đương đầu với Sự Chết là gì ?
Thiền Mỗ : Sách vỡ kinh điển nào cũng khuyên nên từ bỏ sự ràng buộc, vì chính sự ràng buộc làm mình sợ hãi phải cắt đứt những gì mình đang có. Thiền Mỗ suy nghĩ và thực hành trên vài chuyện thì thấy cũng đúng đúng. Nhưng lại suy nghĩ và suy nghĩ, Thiền Mỗ tự hỏi, phải chăng đó chỉ là chửa trị căn bệnh trên ngọn, ngoài da của vấn đề. Sự ràng buộc luôn luôn có mặt. Tại sao ? Tại vì sự quyến luyến ràng buộc là kết quả tự nhiên của một nguyên nhân nào đó và nguyên nhân này lại có nguồn gốc của một nguyên nhân khác, và cứ tiếp tục như thế .... Cũng như khi không khí chuyển động thì sinh ra gió, hay đói bụng thì phải đi tìm cái gì ăn, ... Mọi chuyện đúng là Nhân-Quả. Nhưng trong hệ thống Nhân-Quả này, có một cái gì đó, cái gì đó vừa hiện diện ở trong và vừa đứng thoát ra ngoài. Thiền Mỗ chỉ cảm thấy sự hiện diện của hắn mà không nắm được hình tướng hắn là cái gì ... Có lẽ Thiền Mỗ lạì theo thói quen cứ đưa mọi chuyện nằm ngoài lý trí vào lãnh vực lý luận.
Sư : Tại vì ông vẫn còn muốn hay vẫn còn quen chưa bỏ được cái tính kiểm soát của con người lý trí.
Thiền Mỗ : Cái gì bỏ được thì hãy bỏ. Có lẽ đó mới là sức mạnh của mỗi người
Người Học Trò : Một trong những kinh nghiệm tuyệt vời là trải qua sự cô đơn tuyệt đối.
David Steindel-Rast kiểm nhận sự việc Một-Mình ( tiếng Đức là allein ) với sự việc Tham-Dự-Vào-Tất-Cả (all-ein). Đến với tất cả mọi người cũng như với riêng chính mình là một kinh nghiệm cần thiết của những tu sĩ thời nguyên thủy.
Denys l'Aréopagite cũng nhận thấy chữ Tu Sĩ ( monachos ) xuất phát từ chữ Một ( monos ). Tu sĩ là hoà hợp, người làm thành một với chính mình, với người khác và với tất cả.
Truyền rằng, thánh Benoît nhìn thấy cả vũ trụ trong một tia nắng mặt trời. Đó là một đặc tính của sự mặc tưởng : Trở thành Một với vạn vật
Angelus Silesius cũng viết những vần thơ gợi lại mối liên quan giữa thời gian và sự vĩnh cửu :
Thời gian là thiên thu và thiên thu cũng là thời gian,
Làm sao cho chính bạn không chia tách ra ...
Tôi, chính tôi, là thiên thu khi thời gian bỏ đi
Tôi bám trọn vào Thượng Đế và giữ chặt Thượng Đế trong tôi ...
Thiền Mỗ : Trong những câu thơ này có phản ảnh chứng nghiệm của Maître Eckhart, sự thanh bình cho "những người vượt và xuyên qua tất cả những gì đã được tạo dựng, hiện hữu, trần tục ( có tính cách giới hạn trong thời gian ), để đi vào nguyên thủy của cái không dò được ( Bất khả tư nghì )." Maître Eckhart đi từ nguyên tắc , Thượng Đế vượt ra ngoài giới hạn của thời gian. Trong lúc trầm tư mặc khải ( thiền định ), khi con người nhập thành Một với Thượng Đế, thời gian bị treo lại. Quá khứ và tương lai không còn hiện hữu, nhường chổ cho hiện tại. Như một tia chớp, ý niệm về thời gian rơi rụng hoàn toàn ...
Người Học Trò : Andreas Gryphius đã viết về thời gian ...
Những năm tháng này mà thời gian đã lấy đi, không phải là của tôi;
Những tháng năm sẽ đến, có lẽ vậy, cũng không là của tôi
Giây phút hiện tại chính là tôi, và tôi mang vào đó tất cả tâm ý
Người ( Thượng Đế ) ngự trị trong tôi và Người xây dựng chất liệu cho tháng năm và cho thiên thu .
Thiền Mỗ : Ân sủng tuyệt đối phải chăng chính là khả năng được quên mình, là không còn đặt câu hỏi và biến mất hoàn toàn trong vạn vật
Vua : Xin hỏi lại. Sức mạnh giúp chúng ta đương đầu với Sự Chết là gì ?
Thiền Mỗ : Sự Chết sẽ luôn luôn có mặt đâu đó, không tránh thoát được đâu. Nhưng có lẽ sức mạnh để đối diện với Sự Chết là sự sáng tạo. Hãy làm cái gì đó, âm nhạc, văn chương, khoa học hay hội họa..., cho dù thật tầm thường, thật khiêm nhường, nhưng hành động này sẽ mang lại cho chúng ta một sức mạnh, cho chúng ta thấy rằng trong cuộc đời bấp bênh này, không phải chỉ có Sự Chết đang lườm lườm hăm dọa .... Còn có cái gì khác nữa. Đó là sự Sáng Tạo và Sự Sáng Tạo chính là sự sống.
Còn tiếp ...