TIẾNG THỞ DÀI CỦA THỜI GIAN

(Trích “Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga)

 Bài 2 -  ( ... tiếp )

 

 

Một đêm tan trường Nhạc, không thấy Vũ đến đợi như thường lệ, tôi tự đón cyclo về.

Lúc 8 giờ tối, đang ngồi trong nhà, nghe tiếng còi xe của Vũ ngoài đầu ngõ nên tôi vội vàng đi ra gặp. (Dạo ấy còn ngây thơ quá, tôi không hề dám cho bất cứ ai –trừ Ánh-- hay biết sự giao thiệp với Vũ; mỗi lần Vũ đón tôi từ trường Nhạc là tôi bắt Vũ bỏ tôi xuống ngã tư gần nhà, xong đợi cho Vũ chạy xe đi mới tự mình thả bộ.)

[Sau này, nhìn lại sự việc, thấy có gì khác lạ trong sự kiện tôi không giới thiệu cho gia đình hay về việc giao thiệp với Vũ, trong khi với Hà, Nghinh, hay Thùy, ai trong nhà cũng đều biết rõ.

Tôi xuất thân con gái Huế, nhưng cái không khí Huế của gia đình tôi không nặng tính cổ hủ phong kiến, mà lại rất phóng khoáng Tây Phương. Mẹ tôi là người đàn bà có hoài bão lớn cho con, vì vậy đám con trai nhà tôi khi sắp sửa lên bậc Trung Học Đệ nhị cấp là mẹ tôi đã tính đường du học cho họ. Còn đám con gái, đặc biệt tôi, được giáo dục rất kỹ theo chiều hướng “sẽ là vợ của một nhà ngoại giao” như mơ ước của bà. Bà chuẩn bị cho chúng tôi một số vốn kiến thức khá kỹ. Từ thuở rất bé, chúng tôi đã được huấn luyện để mê đọc sách, mê nghe nhạc cổ điển Tây Phương, mê những bức tượng nghệ thuật, các bức tranh vẽ, mê đi du lịch, mê những cái gì không đem lại thực tế vật chất. Mẹ tôi không bao giờ tiêác tiền trước những cái mê ấy của chúng tôi hoặc không từ nan bất cứ điều gì có thể giúp cho con cái mở mang đầu óc và thu lượm được những hiểu biết. Cái chủ trương trong việc giáo dục con cái là đặt chữ “quý” đứng trên chữ “phú”. Những đứa con gái phải trở thành những phụ nữ sang cả phong lưu. Do đó, ngoài văn chương âm nhạc, chị em tôi còn được dạy cho việc nấu ăn, tề gia nội trợ, thậm chí dạy khiêu vũ, uống rượu chát, tiếp đãi khách khứa. Mẹ tôi hay nói: “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ. Một người vợ xứng đáng phải là người biết làm sang cho chồng, thanh rõ thô hay!”

Với cái chủ trương đào tạo chúng tôi trở thành “kẻ làm sang cho chồng”, hẳn nhiên trong óc bà cũng đã có vẽ ra rồi thế nào là hình ảnh “một ông chồng” cho những đứa con gái của bà.

Một điều lạ là tôi chưa bao giờ nghe mẹ tôi mơ cho tôi lấy chồng bình thường, sống cuộc đời bình thường như mọi cô gái. Trong nội tâm riêng, bà muốn tôi trở thành một nghệ sĩ tiếng tăm, chứ không là một người vợ chỉ biết lui cui suốt ngày trong xó bếp, góc nhà.

Giờ đây nhìn lại thời con gái sống trong gia đình, tôi thấy bốn chị em tôi có điểm thoải mái ghê gớm là chưa bao giờ bị “giục” phải đi lấy chồng. Mẹ tôi không sợ cho chúng tôi bị ế; nên cái việc ép buộc phải nghĩ đến hôn nhân –như một lối thoát cho đời sống-- chưa bao giờ thấy xảy ra trong bốn chị em tôi.

Suốt đời, tôi còn mang ơn mẹ tôi ở cái lối giáo dục như vậy. Nhìn từ bên ngoài, đó là cái lối dạy “rất không thực tế”, nhưng thật thì “vô cùng thực tế”. Nếu không nhờ vào những môn học về nghệ thuật được trau giồi từ thuở nhỏ, tôi không thể nào có đủ khả năng để tự chống đỡ trước những cú quất tàn bạo của Định Mệnh như trong mấy chục năm qua đã từng hứng nhận. Hay nếu không nhờ vào những cái đam mê “hoang tưởng, sống trên mây” thấm vào máu từ bé trong lối giáo dục của mẹ tôi, tôi đã gục ngã ngay từ lần thứ nhất đối diện khuôn mặt Định Mệnh của cuộc đời mình.

Với chiều hướng huấn luyện con cái như vậy, tự nhiên tôi thấy e ngại khi cho gia đình biết tình cảm tôi dành cho Vũ. Tôi không muốn mẹ thất vọng về tôi, cũng không hiểu tại sao mà nghĩ như thế. Bà là người mẹ rất thương con, hy sinh tất cả cho con, nhưng không phải là người dễ dàng mềm lòng trước những lời năn nỉ của con cái. Theo sự quả cảm, trí thông minh, tính độc lập của bà, tôi nghĩ về bà như một “người cha”, tìm thấy lòng yêu thương và kính trọng vô vàn trong chính mình cho bà, chứ không là gần gũi tâm sự như ở những đứa con gái với những bà mẹ thường tình chung quanh.

Cũng từ điểm nêu trên mà càng về sau này tôi càng nhận biết: Suốt đời tôi chẳng những đi tìm một người cha, lại còn đi tìm cho chính mình một người mẹ, một người bạn nữa. Sự độc lập đứng thẳng như một cây thông (theo lời nhận xét của bè bạn) cũng phát sinh từ ý niệm đó, ngay từ thuở còn rất phôi thai non dại, chưa biết gì là những ngã rẽ Cuộc Đời.

Với Vũ, không giới thiệu Vũ cùng gia đình, có lẽ vì tôi yêu Vũ, nên không muốn mẹ tôi đánh giá –có thể sai lầm-- về Vũ sớm quá. Còn với Hà, anh Thùy hoặc các người bạn trai kia, tôi không yêu họ, nên cũng không bao giờ quan tâm cái nghĩ của mẹ tôi về họ ra sao.]

 

Nơi xéo xéo con ngõ, khuất bóng ngôi nhà tôi, tôi nhìn thấy Vũ đang đứng cùng một vị sĩ quan Dù khác. Vũ nói với tôi:

“Đây là Nhã, bạn anh, tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, vừa từ chiến trận trở về mấy ngày trước. Chiều nay đưa Nhã đi chơi nên anh không kịp đến trường đón bé.”

Tôi im lặng, tâm tư ứ tràn sự hờn dỗi vì điều thất hẹn của Vũ. Giọng Vũ áy náy:

“Bé giận anh phải không? Cho anh đền bằng một hồi kem nhé?”

Tôi vẫn im lặng. Vũ nài nỉ:

"Anh xin lỗi bé mà! Ngồi với Nhã suốt buổi chiều mà nhớ cô bé quá.”

Xong hạ giọng:

“Đi chơi với bọn anh một chốc đi, ngày mai anh ấy trở ra chiến trường, chẳng biết có ngày về hay không?”

Câu nói này quả có hiệu nghiệm. Tôi hé nụ cười:

“Nhưng em chỉ có thể đi một chốc thôi, Vũ phải đưa em về cao lắm là sau nửa tiếng?”

Vũ gật đầu:

“Vâng! Anh hứa sẽ làm như lời bé.”

Bấy giờ tôi mới quay qua hỏi Nhã:

“Anh ở Tiểu đoàn 9, vậy anh biết anh Thuận Văn Chàng?”

Nhã gật:

“Có. Chàng vừa mới tử trận cách đây vài tháng!”

Trái tim tôi bóp thắt đau đớn. Bên tai, giọng Vũ vang lên:

“Mình đi nhé cưng! Nhã cũng có thể như anh Chàng không biết chừng, ngày mai hay ngày mốt!”

Tôi vẫn mặc quần jean áo pull như khi đang ở nhà, thót lên ngồi trên chiếc lambretta của Vũ. Nhã chạy riêng một honda. Tôi lập lại câu nói:

“Chỉ một chốc thôi. Đi lâu, ở nhà biết được thì chết!”

Tưởng đưa tôi đến một quán kem, ngờ đâu Vũ chạy thẳng đường Yên Đổ, ra Hai Bà Trưng rồi ngoặt trái về huớng Chi Lăng, dừng xe ở một nơi sáng ánh đèn ngay đầu Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Đứng ngoài bãi đậu, tôi nghe tiếng trống tiếng kèn từ trong vọng tới. Tôi bỗng sợ hãi, quay hỏi Vũ:

“Đây hình như là một vũ trường chứ đâu phải quán kem?”

Vũ gật đầu cười:

“Đúng, vũ trường Victoria.”

Tâm trạng hốt hoảng và bực bội vì sự dối trá của Vũ và cũng vì chưa từng bao giờ đến một vũ trường, nên tôi cứ đứng ỳ nơi bãi đậu xe, không chịu bước chân vào cửa. Nhã cũng đứng đợi, cách xa một quãng. Vũ hạ giọng nài nỉ:

“Vào đây với bọn anh một chốc thôi. Nhã muốn anh đưa đi dancing. Mình ngồi độ nửa giờ rồi về.”

Anh lập lại câu nói ban nãy:

“Ngày mai Nhã trở ra chiến trường, anh có linh cảm không gặp lại nhau nữa, nên chiều theo mọi ý thích của Nhã. Bé hiểu cho anh. Nếu anh không yêu bé, không nhớ bé thì đêm nay đâu có đưa Nhã đi tìm bé?”

Mãi một hồi nài nỉ với nhiều lý do viện dẫn của Vũ, tôi mới chịu theo hai người vào trong dancing.

 

[Tôi được mẹ tôi dạy cho biết khiêu vũ từ khi còn ngồi ở lớp đệ Nhị và cũng đôi lần trong các cái bal famille sinh nhật bè bạn, được tiếng là nhảy bebop đẹp; nhưng thật sự đó mới là lần rất đầu tiên tôi tiếp xúc với không khí vũ trường trong tâm trạng ngỡ ngàng xa lạ mà không hề ngờ rằng chính cái không khí ấy sẽ trở thành một phần đời gắn chặt về sau của tôi.]

 

Sự bực bội kéo theo vào trong phòng nhảy, tôi không chịu ra piste với Vũ; thêm âm thanh ồn ào quá, cũng không nói gì; chỉ quay qua trò chuyện đôi câu cùng Nhã về tiểu đoàn 9 và về anh Chàng. Vũ ngồi một mình, uống hết chai bière này qua chai bière khác, vẻ lầm lì đau khổ. Tôi rất sốt ruột với ý nghĩ lo sợ mọi người trong nhà đã khám phá ra sự vắng mặt bất ngờ của mình nên cứ kéo tay áo Vũ, giục Vũ đưa về. Cả Nhã cũng đề nghị ra về vì cái vẻ bồn chồn nơi tôi đã làm mất đi hết hứng thú khiêu vũ trong anh.

 

[Phải nhận là dạo đó còn ngây thơ quá nên chỉ với việc ra đón một cái cyclo hay taxi về một mình, tôi cũng không biết tự làm được].

 

Vũ vẫn không nhúc nhích trước sự đòi hỏi của tôi. Cho đến khi tan vũ trường, 11 giờ 30 khuya, hai người bạn từ giã, hai bàn tay xiết lại trong nhau thật chắc. Vũ nói lên những lời chúc cầu may mắn cho Nhã. Xong, rồ máy xe đưa tôi về. Lúc này trông Vũ đã có dáng say say. Nhưng thay vì lái theo hướng nhà tôi thì Vũ lại chạy thẳng trên con đường Chi Lăng dài hun hút về hướng Gia Định. Tôi la lên sợ hãi. Vũ trấn an tôi:

“Bé đừng sợ. Mình đến đây một chốc cho qua hết giới nghiêm rồi về!”

Lúc ấy sực nghĩ giới nghiêm sẽ kéo dài tới 5 giờ sáng, nỗi sợ trong tôi càng thêm mạnh mẽ. Nhưng bởi vì chiếc xe Vũ lao vùn vụt trong đêm vắng nên với cái việc nhảy đại xuống đường, tôi cũng chẳng dám làm. Đột nhiên từ trong sâu thẳm trí não thấy lóe lên một ý hướng nhận thức mới mẻ mà lần đầu tiên trong đời tôi bắt gặp (để rồi trở thành rất quen trong suốt cuộc sống kế tiếp). Đó là sự ngẩng mặt nhìn thẳng vào những bất trắc đang --hay sắp-- xảy ra cho mình. Tự nghĩ, đường về thôi đã hết thì không nên trông chờ đến nữa, phải dự liệu làm thế nào để đối phó với những việc đang đưa tới. Đầu óc hoạt động thật nhanh, cái bản chất dứt khoát lù lù ló mặt, tôi không lên tiếng yêu cầu Vũ quay trở về đường nhà tôi nữa, chỉ im lìm gom nhặt tất cả can đảm còn sót để đợi chờ mà ứng xử kịp thời với nguy cơ ẩn hiện chung quanh. Vũ chạy xe một đỗi rồi dừng lại ở một căn nhà nơi một khu nào xa thật là xa, tôi không biết rõ, chỉ biết cái địa điểm của nó thuộc vùng Gia Định. Một người đàn ông ra mở cửa cho Vũ (về sau mới biết đó là chủ nhân căn phòng trọ Vũ ngủ lại mỗi khi về Sàigòn).

 

[Một điều lạ mấy chục năm sau tôi mới nhận ra là đã không hề mang ý nghĩ kêu cứu trên đường đến đây hoặc ngay chính lúc bấy giờ –với người chủ nhà xa lạ, rằng tôi “đang bị bắt cóc”. Có lẽ từ trong ý thức, tôi biết Vũ yêu tôi và cũng không có ý hại tôi, hoặc từ căn bản của tâm hồn, tôi đã nằm lòng cái tính cách chịu đựng một mình mọi nỗi hiểm nguy ?]

 

Nghĩ có chối từ cũng vô ích nên tôi im lìm theo Vũ vào phòng. Vũ giơ tay bật đèn từ cái công tắc điện gắn nơi cửa. Thế là tôi giành lấy cái công tắc ấy, giữ chặt nút bấm. Vũ nhấn xuống cho đèn tắt thì tôi lại bật lên cho đèn sáng. Cứ thế mà giằng co nhau hồi lâu. Tôi chẳng hề biết trong phòng có gì nhưng thấy nó trống trải rộng rãi và nhất là cái giường nệm chiếm vị trí lớn làm tôi sợ hãi nên không dám quay đầu nhìn ngang nhìn ngửa. Vũ nài nỉ tôi lên giường ngủ, tôi vẫn không nói gì, cứ đứng im nơi cái công tắc điện. Tâm trí lúc bấy giờ hoàn toàn không nghĩ gì đến nỗi sợ hãi theo sự lo lắng về gia đình nữa mà chỉ làm sao cho cái công tắc thuộc về mình. Đến một lúc Vũ tự cởi bỏ áo quần, xong tiến đến bên tôi, bất thần dùng vũ lực khóa trái hai tay tôi, xô đẩy hồi lâu mới ẳm được con người tôi thảy lên giường, rồi phóng vội đến nằm đè cả thân hình lên tôi. Trong bóng đêm lờ mờ, nhìn thấy sự trần truồng của Vũ, tôi đâm ghê tởm đến lợm giọng. Tôi vẫy vùng kịch liệt nhưng vẫn không thể nào thoát được hai cánh tay mạnh mẽ kềm giữ của Vũ. Một tay Vũ vẫn nắm rịt hai tay tôi, một tay mò mẫm tìm sợi giây kéo của cái quần jean tôi đang mặc. Trong trạng huống chao đảo của lúc cận kề nguy hiểm, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh cha tôi, rồi lại hình ảnh anh Chàng. Đầu óc lướt qua thật nhanh cái ý nghĩ, nếu phải đánh mất đi những gì tốt đẹp nhất của một người con gái thì tại sao kẻ chiếm được đó lại không phải là anh Chàng? Đột nhiên như có một sức mạnh rất thần kỳ, tôi nẩy bật người, vùng thoát hai tay Vũ, xô một cái thật mạnh vào người Vũ. Tức thì cả thân hình Vũ té xuống sàn nhà. Không để lỡ giây nào, tôi phóng vội xuống giường, lao đến bên cái công tắc điện. Đèn sáng lên, tôi thoáng thấy Vũ nằm sấp trên sàn, mặt úp xuống. Tôi sợ hãi quay vội đi nhưng cặp mắt vẫn nhiều lần liếc lui, canh chừng hành động Vũ. Vũ lồm cồm nhổm dậy, ngồi yên tại chỗ, hai tay ôm đầu trong tư thế hình như đau lắm. Tôi định thần lại được chút ít. Vũ cứ ngồi dưới đất hồi lâu, xong mặc áo quần vào và đến cạnh tôi. Tôi sợ hãi lùi xa khỏi Vũ, bàn tay vẫn giữ rịt cái công tắc. Anh quỳ xuống trước mặt tôi, nói nhỏ, giọng rền rĩ:

“Anh xin lỗi bé. Anh thật là giống thú vật. Anh muốn chiếm đoạt bé vì sợ rằng bé sẽ bỏ anh. Anh muốn giữ bé trọn đời. Anh thú vật quá. Bé tha thứ cho anh.”

Và Vũ van nài:

“Anh không làm gì bé nữa đâu. Lên giường ngủ đi, sáng mai sớm anh đưa về. Anh thề trước linh hồn mẹ là sẽ không làm gì bé nữa. Bé đừng sợ anh, tội nghiệp! Bây giờ mới chỉ hai giờ khuya.”

Mặc Vũ nói gì thì nói, tôi vẫn không nghe và cũng im lìm không phản ứng. Trong óc lúc bấy giờ hoàn toàn không còn ý nghĩ nào khác ngoài cái điều cứ đứng im tại chỗ giữ rịt cái công tắc trong tay. Vũ nằn nì hồi lâu, thấy không hiệu quả, nên vỗ về:

”Nếu bé không muốn lên giường nằm thì thôi, anh ngồi đây ôm cho bé ngủ.”

Nói xong, cũng chính Vũ ngồi xuống ngay đàng sau cánh cửa, cạnh bên tôi. Tôi chối từ vòng tay Vũ, trong óc vang lên ý nghĩ:

“Sẽ không bao giờ còn nhìn mặt Vũ từ đây.”

Từ đó cho đến khi hết giới nghiêm, quả tình là Vũ không tỏ ra chút hành động tồi tệ nào nữa.

 

                                                     o0o

 

Sáng hôm sau về nhà tôi kể hết cho cậu Tân –cậu út tôi--nghe và xin cậu đừng mách lại với mẹ tôi (khi ấy đang làm việc ở Nha Trang). Tôi thề độc với cậu bằng chính linh hồn cha tôi là

“ Vũ chưa làm gì được con cả!”

 

[Sau này, khi tôi đã vĩnh viễn đi ra khỏi đời Vũ thì chính cậu Tân --bằng tuổi Vũ, lại biến thành người bạn rất thân của anh, thường cùng với Vũ đi dancing, đi ăn, đi chơi. Trong những lúc bắt đầu say --cậu kể cho mẹ tôi nghe— Vũ vẫn hay khóc khi nhắc lại mối tình tan vỡ của chúng tôi, rồi lên sân khấu xin được hát bài Thu Quyến Rũ (Vũ có giọng hát rất hay), bản nhạc vẫn hát cho tôi nghe ngày cũ:

Anh mong chờ mùa thu,

Trời đất kia ngả màu anh lơ

Đàn buớm kia đùa vui trên muôn hoa

Bên những bông hồng đẹp xinh

Anh mong chờ mùa thu,

Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai

Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay

Mùa thu quyến rũ anh rồi

Mây bay về đây cuốn trời,

Mưa rơi làm rụng lá vàng

Duyên ta từ đây lỡ làng

Còn đâu những chiều dệt cung đàn yêu

Thu nay vì đâu nhớ nhiều,

Thu nay vì đâu tiếc nhiều

Đêm đêm nhìn cây trút lá

Lòng thấy rộn ràng ngỡ bóng ai về

Anh mong chờ mùa thu,

Tà áo xanh nào về với giấc mơ

Màu áo xanh là màu anh trót yêu

Người mơ không đến bao giờ.”

Cũng từ cái kinh nghiệm kể trên mà từ đó tôi nhận ra một điều rằng, không thể nào có sự hiếp dâm giữa một người đàn ông và một người đàn bà nếu người đàn bà KHÔNG MUỐN.]

[]