TIẾNG THỞ DÀI CỦA THỜI GIAN

(Trích “Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga)

 Bài 1 -  ( ... tiếp )

 

Những ước mơ chưa thực hiện đã trở thành kỷ niệm

Như tiếng thở dài sớm tắt lịm của Thời Gian!

(TTBG)

 

Vũ cũng là một thứ Định Mệnh khởi đầu của tôi. Ngay buổi chiều nhận tin chết của anh Thuận Văn Chàng, tôi tìm đến Ánh, một cô bạn học– để rồi cả hai cùng đi trên chiếc xe găén máy của Ánh lên Nghĩa tử đường Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa viếng quan tài anh. .

Trên đường về, ngang qua Ngã Ba Cát Lái, xe bỗng chết máy. Trời mưa lâm râm, bóng chiều đang ngã sang màu tối, xa lộ vắng người, hai đứa con gái nhỏ cùng lo lắng chưa biết làm sao thì bỗng có một chiếc xe jeep nhà binh chạy trờ tới, chậm tốc độ và ngừng lại. Viên sĩ quan mặc bộ áo hoa rừng, đeo lon Trung úy, dáng dấp cao lớn, nhảy xuống hỏi chúng tôi có cần giúp gì không? Anh khoảng độ 28, nói giọng Bắc. Tôi im lặng, còn Ánh lúng túng kể về cái xe. Vị sĩ quan và viên trung sĩ đi cùng, tiếp tay Ánh đạp cho nổ máy nhưng vô hiệu. .

Viên Trung úy ước lượng: .

“Hai cô không thể về Sàigòn được với cái xe này đâu. Tôi đề nghị bỏ nó lại cơ quan chúng tôi, ngày mai lên lấy. Phần hai cô, tôi sẽ đưa giúp về nhà, tôi cũng đang trên đường trở lại Sàigòn. Ở đây lâu nguy hiểm lắm, Việt Cộng hay đổ về từ phía trong, hai cô có thể bị tụi nó bắt đi.” .

Tôi hoảng sợ, lắc đầu phản đối ngay lời đề nghị khi nghĩ đến điều lần đầu tiên phải ngồi lên xe một người lạ, nhưng Ánh –đảm nhiệm phần lái—nài nỉ tôi nhận. .

Sau một lúc, tôi đành bằng lòng. Chiếc xe gắn máy được hai người đàn ông khiêng bỏ vào sau xe jeep, người trung sĩ đưa cả bọn về công ty Xi Măng Hà Tiên. Tại đây, vị sĩ quan lấy chiếc lambretta của anh, chở riêng tôi và Ánh về Sàigòn. .

Suốt chặng đường Ngã Ba Cát Lái & Sàigòn, tôi ngồi giữa, im lìm với tâm trạng đau khổ của mình, nên chỉ mỗi Ánh trò chuyện cùng vị sĩ quan. Anh hỏi lý do tại sao chúng tôi có mặt ở Ngã Ba Cát Lái vào giờ đó, và nhiều điều khác nữa. Ánh kể, chúng tôi vừa từ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa trở về. Khi nghe câu chuyện anh Chàng –mà Ánh gọi là người anh của cô bạn—, vị sĩ quan kia trông rõ là xúc động, không trò chuyện nữa. .

Đến Sàigòn, anh theo địa chỉ chúng tôi, đưa Ánh về trước, tôi về sau. .

Ngày kế tiếp, tôi nghe Ánh kể lại, cái xe được sửa chữa xong và tận tay vị Trung úy cỡi về giao lại cho Ánh. .

 

Bẵng một tháng sau, tôi hầu như đã quên hẳn vị sĩ quan kia thì bất thần nhìn thấy anh đứng trước ngõ nhà tôi một buổi chiều đi học về. Tự nhiên hoảng hốt đâu đâu khi bắt gặp cái cười anh đang hướng về tôi; tôi không dám chào anh, cũng không tỏ ra tí gì sự “biết anh” trước đó.

 

Lần thứ ba vào một ngày trong tuần lễ tiếp đó, tôi mới dám gật nhẹ đầu khi lại thấy nơi đầu ngõ có bóng dáng vị sĩ quan.... Để rồi cũng không nhớ từ bao giờ mà chuyện trò cùng anh, không nhớ bắt đầu ở đâu, trước cửa trường Nhạc, trong sân trường học, tại nhà Ánh, hay ở một nơi nào đó... mà tôi đã kể cho anh nghe về cái chết của anh Chàng...

Từ trong tiềm thức, nơi Vũ khơi dậy cho tôi những gì tôi ưa thích. Bộ đồ Dù với màu mũ đỏ? Cái dáng nghênh ngang cao lớn? Có lẽ thế thật. Tình thân cho Vũ cũng từ những điểm này mà nẩy sinh ra... .

 

[Ở đây, hẳn sẽ có độc giả đặt với tôi câu hỏi rằng sao tôi quên anh Chàng nhanh như vậy? Thật sự tôi không quên, mà chính là đã lồng ký ức anh Chàng vào với hình ảnh Vũ. Giữa hai người có nhiều điểm giống trên bề ngoài hình thể mà điểm giống lớn nhất là cả hai đều cùng xuất thân binh chủng Nhảy Dù. Nếu Vũ không là một sĩ quan Dù, chắc tôi không bao giờ lưu ý đến Vũ. Quả là bội bạc, nhưng đó là một sự thật mà phải mấy chục năm sau tôi mới nhận thức được rõ rệt. Có thể nói, đó cũng chính là một bi kịch của đời tôi, khởi đi từ mốc điểm này. Từng người đàn ông đi qua đời đều là từng mỗi Định Mệnh; riêng biệt, nhưng đều có một điểm tương đồng là Định Mệnh này cứ đuổi bắt Định Mệnh kia, liên tục suốt đời như vậy. Người đi sau bao giờ cũng có cái gì hiện thân cho người đi trước, là cái bóng của người đi trước, nhận lãnh vai trò lấp đầy giùm khoảng trống mà người đi trước đã tạo ra trong trái tim tôi. .

 

Điểm bất hạnh thứ hai: Suốt thời tuổi trẻ, tôi được quá nhiều người đàn ông yêu thương so với một cuộc đời dài của bao người phụ nữ. Đau khổ tạo ra từ “người này” chưa kịp xóa nhòa thì hạnh phúc của “người kia” đã đem đến trao tặng. Vết thương nhận lãnh từ “người này” chưa kịp thờigian lành lặn thì đã thấy “người nọ” tiếp liền theo sau bằng tặng vật Tình Yêu để lau đi giùm những giòng máu vẫn chưa khô!

 

Do đó, gần như suốt đời, hai chữ Hạnh Phúc và Đau Khổ đi liền với nhau trong trái tim tôi là vậy. Những Người Tình trước-sau thật ra cũng chỉ Là Một trong sự đan quyện định mệnh với nhau của họ. Nói cách khác, tôi vừa là con người may mắn vì lúc nào cũng “có Tình Yêu”, cũng vừa là bất hạnh vì lúc nào cũng nằm trong tư thế “bị đánh mất Tình Yêu”. .

Trường hợp Vũ cũng không khác được. Anh là một kiểu “nạn nhân” của cái bóng anh Chàng; anh tôn trọng hình ảnh anh Chàng trong tim tôi và anh khiêm nhường chấp nhận chỗ đứng thiếu hụt của mình trên thực tế tình cảm. Tuy nhiên, có lẽ anh không biết –và cả tôi dạo ấy cũng không biết—chính vì sự khoan hòa thế này mà anh chiếm được quả tim tôi, một quả tim “bị thương, luôn ngờ vực Tình Yêu” như Vũ thường nhận xét. .

Sự ngờ vực này, thuở còn rất trẻ, tôi không biết từ đâu mà xuất phát? Phải đợi đến mấy chục năm sau, nhìn lại đời mình, mới thấy rằng nó đã được khởi đi từ một ý thức rất sớm theo cái nhìn về một Định Mệnh: Chính là tôi ngờ vực Định Mệnh (biểu tượng bằng một kẻ vô hình đầy uy quyền nào đó) sẽ không để cho tôi hồn nhiên nếm hưởng cái mùi thi vị dịu dàng mà Tình Yêu mang lại. Tôi đón nhận Tình Yêu, chấp nhận Tình Yêu bằng tất cả trái tim, nhưng luôn luôn ngờ vực nó. Dạo ấy còn quá trẻ, nên sự ngờ vực chỉ được đổ lên cho Người Tình duy nhất. Do đó mà tôi đã không biết một điều rất quan trọng rằng Những Người Tình trong đời tôi cũng chỉ đều là một thứ nạn nhân như tôi trong bàn tay đùa nghịch của Định Mệnh mà thôi.] .

 

Tôi gặp Vũ, chấp nhận tình yêu của Vũ một cách tự nhiên trong cái tâm trạng của một đứa con gái quen được nhiều bạn trai ưa thích, không thắc mắc tại sao, không lấy đó làm kiêu hãnh và cũng không hề cảm thấy chút nào măëc cảm có tội với hình ảnh anh Chàng vừa nằm xuống. (Có lẽ nếu gặp tôi mà Vũ KHÔNG yêu tôi, mới là điều thắc mắc dạo ấy của tôi!) .

Tôi đồng hóa bộ áo hoa rừng của Vũ vào với hình ảnh anh Chàng, nhưng thiết thực hơn qua những câu chuyện với Vũ, những câu chuyện rõ ràng là tình yêu giữa một đôi trai gái trẻ tuổi chứ không là sự ngưỡng mộ của một đứa nhỏ nhìn lên một người lớn, như tôi đã từng ngưỡng mộ hoài bão “dành lại đất Chàm” của anh Chàng. .

Những nụ hôn vụng trộm, những vòng tay ghì xiết, những lời nói âu yếm, những kỷ niệm đón đưa nhỏ nhẹ sau giờ tan lớp... là những điều mới mẻ tôi học được từ Vũ. Chính Vũ là người đầu tiên dạy cho tôi cách hôn môi một người tình. (Duy có một điều, --tôi sẽ kể ở đoạn tiếp đây-- chẳng những Vũ không “dạy” được cho tôi, mà lại còn bị “tôi dạy” như lời về sau Vũ hay nói. Đó là bài học về ”tâm hồn của một đứa con gái ngây thơ trong sáng”. Nhưng đó là câu chuyện của đoạn tiếp theo.) .

Tuy nhiên, tự trong sâu thẳm ý thức vẫn như có cái gì đó ngăn chận tôi sự việc tỏ bày tình yêu của mình cho Vũ. Một cái gì không phải dối trá, mà chính là “ngờ vực” như chữ Vũ thường dùng. Vì vậy mà trong thái độ chấp nhận Tình Yêu Vũ trao tôi đã luôn cho thấy từ tôi một sự “cưỡng chống lại Tình Yêu của Vũ.” .

Lấy ví dụ:

Một lần đi cùng Ánh lên công ty Xi Măng Hà Tiên thăm Vũ (thời gian này vì tình hình gấp rút của chiến tranh mà một số tiểu đoàn Dù được bố trí phòng vệ vòng đai thủ đô, nên đơn vị Vũ đóng tại đây), Vũ cầm cây colt 45, kê ngay vào trán tôi mà hỏi: .

“Bé có yêu anh không?” .

Tôi bật nói:

“Không!” (dù trái tim lúc đó đã dành cho Vũ).

 

Cái nhìn của Ánh rõ là hốt hoảng. Vũ hỏi lần nữa, tôi cũng nói không, nhìn thẳng vào mặt Vũ. Anh hạ súng, lắc đầu cười nhưng đôi mắt trông thật buồn:

“Không đùa được với sự bướng bỉnh của em, súng đạn có cô hồn nguy hiểm lắm!”

(Kể từ ấy, bao giờ Vũ cũng gọi tôi là “cô bé cứng cỏi.”) .

 

[]