PART ONE : Flashes Memories.
Chương 7.
Mùa Tết của năm cuối thế kỷ 20, 1999, sau hơn 15 năm xa quê hương, tôi lại được trở về Việt Nam; và đánh một vòng ra Huế với mẹ tôi.
Huế, hẹn đi thăm cho biết tận quê cha đất mẹ từ năm 17 tuổi còn thơ ngây mà phải chờ mãi đến 42 tuổi đời với những đổi thay trong cuộc sống rồi mới lần đầu được đi tới.
Trong chuyến đi cũng có dì tôi, một vài chị họ con của dì, và người cậu út. Chúng tôi gặp lại nhau, vẫn tay bắt mặt mừng, chuyện vãn như ngày mới lớn. Dì tôi thì đang sống một tuổi già đơn chiếc vì chồng dì đã khuất núi vài năm trước đó, sau nhiều năm mắc bệnh bại xuội. Hơn 70 tuổi, nhưng dì trông không có vẻ mệt mõi hay buồn phiền cô đơn như những tuổi chiều cô độc khác. Trái lại, vẫn cứ năng nổ, hào hứng với cuộc đời. Hình như lại đang có cả một ông bạn già nào đó để thơ văn kỷ niệm trao đổi qua về. Tôi nhớ đến câu mẹ tôi nói khi kể về chuyện những chiếc kẹo Tây ngày tuổi thơ của hai chị em, “ Hết kẹo thì thôi, dì bỏ dì đi. Dì cũng chẳng bực, bởi vì có cái nào là dì ăn tuốt hết chẳng chia cho ai ..” Những chiếc kẹo để đánh đổi những cái hôn ngày xưa. Hôn thì hôn, không hôn thì thôi. Không chuyện kẹo này thì có việc khác. Nên hình như bây giờ, có chồng thì có, không còn chồng thì thôi, có ông bạn già nào đó thế vào. Ông bạn già thế được thì thế, không cũng chẳng sao ..
Mùa xuân ở Huế nắng cao cao trong trong trên những đọt cây nên không gắt gao. Mọi con đường đều có vẻ êm đềm tư lự của một nét cũ kỹ như phai tàn mà vẫn bền bĩ. Trên một nẻo đường nào đó, tôi trông thấy những cụm tưòng vi nho nhỏ hồng đậm nhạt lắc rắc trong hàng dậu xanh mướt. Ngắt một đóa tường vi cầm trong tay ngắm nghía, tôi thấy mình kinh ngạc khi nhận ra rằng, Huế đẹp thật. Đẹp như một thiếu phụ gầy yếu hư hao của một tuổi già mà vẫn còn phong cách lịch sự của môt thời xuân sắc ngày xưa riêng biệt của mình. Chẳng khác gì Paris. Rồi bâng khuâng, tôi cũng nghĩ đến David.
Có lẽ Huế cũng đã không thay đổi gì mấy so với một ngày xưa mà tôi không được biết, mà chỉ nghe qua những truyền tụng của mọi người về cái nét vẻ riêng của Huế. Của người dân Huế. Của phong khí vùng đất này. Qua mấy cuộc thăng trầm của vận mệnh đất nước, Huế hình như vẫn cứ như xưa. Đến giữa Huế, tôi nhìn ngắm mọi người, nhìn ngắm đời sống ở một góc độ khác với mọi khi, mọi nơi khác.
Và tôi cũng nhìn ngắm dì tôi khi chuyện vãn với dì trong một căn nhà của người họ hàng ở Long thọ. Cái vẻ bề ngoài của dì đã thay đổi, và chừng như còn bị tàn hủy bởi những trò giải phẫu thẩm mỹ làm đánh mất dư hương của nét vẻ nhan sắc ngày xưa của dì môt cách vớ vẩn. Như những cánh hoa dắt đầu, những lọn tóc uốn éo móc ngoéo ngày xưa trên mặt làm kệch cạc, như không đúng chỗ, không đúng cho con người dì; mà mẹ tôi không có, thì bây giờ là một đôi mắt theo mốt cắt sửa trợn trạc hư hao. Ồh, mà biết đâu, những điều đó cũng lại chính là một phần, những phần của con người dì dù không là tất cả con người dì. Nhưng sau một lúc nói chuyện thì tôi nghĩ là con người bên trong của dì cũng vẫn vậy. Dì cũng vẫn thích nói về kỷ niệm ngày trẻ của mình ở Huế, như ngày xưa.
-Ở chỗ ni khi xưa là .. Còn ở chỗ tê là con đường đê đầu làng, dì hay mặc áo dài trắng, tay cầm nón lá, chân đi giầy cườm. Rứa mà đi thon thót không ai đi kịp, mùa mưa cũng như mùa nắng. Đi bên ni đường đê, một lũ trai tráng bên tê ruộng rộng bao la cũng trông thấy mà kêu gọi, giả hỏi đường đi nước bước. Có mấy người thư sinh, mặt mũi cũng sáng sủa dễ thương làm dì cũng muốn kết làm bạn. Có cái thằng thợ chụp ảnh cứ rình đòi chụp dì mặc áo dài đi trên đường đê để làm lịch treo chơi .. Hahah !
Chợt tôi nhớ đến thằng thợ chụp ảnh mà mẹ tôi kể chuyện ngày xưa, đã dẫn ông ngoại đến tận chỗ nhà bố tôi. Rồi cuộc đời tình ái không êm ái của họ..Chỗ nào là chỗ họ gặp nhau trong cái xứ Huế này ngày xưa ? Rồi những cuộc tình tay ba của những người lớn. Bây giờ những người đàn ông của dì cũng ra người thiên cổ. Họ có gặp nhau bên kia cõi chết và có còn ghen nạnh thù hằn nhau ? Còn dì thì bây giờ tự do rãnh không để muốn kể chuyện về người đàn ông nào cũng không ngại ngùng sự cấm cản :
-Khi dì gặp ba con thì dì còn rất nhỏ dại, mới có 14 tuổi chứ mấy; còn chưa biết ăn biết gói biết nói biết co, trong khi ba con lớn hơn dì cả chục tuổi; 24-25 tuổi nên đâu có coi dì ra cái chi chi. Dì thì cứ quyết chí đeo theo ông già con, bị đánh đập đuổi mắng cách chi cũng không bỏ. Cố nhịn nhục ngoan hiền mà cũng không xong ..
Cái gì ? Bố tôi mà tất cả mọi người trong nhà, bên ngoại lẫn bên nội đều kể là rất rất hiền, các cậu hay ai ở trong nhà muốn làm chi thì làm miễn đừng đụng đến cây đàn của ổng là đuợc. Vậy mà qua miệng lưỡi dì nghe sao lại vũ phu thô bạo ..
Cứ im lặng tôi lắng nghe :
.. Mà ông già con cũng ác. Ổng bồ bịch lung tung thì được, trong khi lại cấm dì mọi chuyện, ghen tuông đủ thứ với mọi người. Ổng già con thì rất là đẹp trai, hào hoa mà còn là nghệ sỹ cũng có tài nên lắm người mê. Bạn gái ổng nhiêu lắm. Mỗi lần họ tới nhà là ổng nhốt luôn dì vào tủ, khóa trái lại. Nhiều khi dì bị ngồi trong tủ cả buổi trường. Có lần ngồi cả một ngày, đến đêm, mót tiểu mót đái, bụng đói nhăn răng, kêu rột rột; trong khi bên ngoài ổng đang đú đởn, cười cợt chuyện trò. Bạn gái ổng nghe thấy, hỏi cái tiếng chi kêu, như có ai. Khi thì ổng nói bụng ổng kêu, khi thì nói cái chi chi kêu cũng chẳng biết. Hahah ! Rồi họ ra phố ăn nhậu, bỏ dì ngồi chết cứng như rứa. Đến đêm về thì say khướt. Dì đập cửa tủ rầm rầm, kêu một lúc ổng mới nhớ ra, mới mở cửa cho ra..
Dì có vẻ muốn tố khổ ông già tôi trên Kamy Internet, rồi như lại ngượng ngùng nên phải cười đùa. Chuyện tố khổ này của dì cũng đã từng có trong quá khứ nên tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên. Có lúc tôi cũng đã phải biện luận (cho bố tôi) rằng, dì Túy cũng chỉ xử sự như mọi người đàn bà khác, khi bỏ chồng thì phải có ly do, và không ly do nào ngoài sự tệ bạc của người chồng. Bởi vậy, đến phiên tôi, tôi đã không muốn nhai giẻ rách của mọi người, mặc dù đời sống vợ chồng của tôi cũng chẳng mấy hạnh phúc. Bởi vậy, tôi mới nói với Chance và không với một ai khác, ngay cả không với David rằng là, nếu không có Chance thì David hẳn là người đàn ông mong ước của cuộc đời mình. Giản dị vậy thôi. Không tố khổ mà cũng không tàn nhẫn để bảo rằng, em có một tình yêu mới và tình yêu đó cho nhiều hy vọng hơn em yêu anh. Và vì vậy, với chuyện người lớn bây giờ lắng nghe, tôi chỉ thản nhiên nghe. Có lẽ vì tôi không tỏ thái độ gì như xấu hổ hay bất bình mà chỉ lắng nghe như nghe chuyện của một người bàng quan xa lạ; mặc dù tôi cũng muốn nghe nói kể rõ hơn về bố tôi mà ngày bé không được người lớn nói cho nghe tường tận_ để so với David, những năm gần đây. Cũng có thể dì kể sự thật. Cũng có thể dì thêm thắt cho có câu chuyện; hoặc ngay cả nói láo. Dù thế nào, tệ ra thì bố tôi cũng chỉ là một người đàn ông, tầm thường hoặc bình thường như mọi người đàn ông khác; nghĩa là có thể với người đàn bà này thì đối xử kiểu này, mà với một người đàn bà khác thì đối xử kiểu khác. Mẹ tôi từ xưa đến nay không hề ta thán bố tôi, mà trái lại còn có thể coi như là tiếc nuối ngợi khen như một người chồng ưng y. Cũng có thể bố tôi không ưng dì mà dì cố đeo, như dì kể, nên đã tàn nhẫn hất hủi, để cho một đứa con nít phải quay về nhà cha mẹ cho rồi, đừng đi hoang nữa.. Nhưng rồi tại sao họ cũng vẫn ở với nhau, có con với nhau, những lần xẩy thai nghe nói lia lịa trước khi có chị Bích ?!! Vậy thì, bố tôi cũng có thể chỉ là một tên nghệ sỹ yếu đuối cho chí đến tầm thường để không đừng được chuyện đàn ông đàn bà với một nguời con gái còn nhỏ mà mình không yêu không muốn ?!?
Còn người chồng sau, bố của những anh chị họ con dì tôi, hẳn nhiên luôn luôn dì ca ngợi từ xưa đến giờ. Trong khi có những câu chuyện ta thán trong gia tộc, và đời sống đôi lứa của họ cũng có những lúc lên lúc xuống đến có thể bỏ nhau mà thế hệ con cháu cũng còn biết. Vậy đâu mới là sự thật ? Và chẳng lẽ không có nổi một tình yêu đôi lứa toàn vẹn nào trong cõi nhân gian này ngay cả với một con người dám sống và dám đạp đổ mọi thứ để yêu như dì tôi khi đến với những người tình ngày xưa ?Rồi câu hỏi tôi chỉ muốn và sắp đặt ra với dì, không phải vì chồng dì_mà chị em tôi gọi là ‘’dượng Minh’’, chứ không phải ‘’Ông Minh’’ như người lớn và các anh chị lớn của tôi vẫn gọi; cũng càng không phải vì bố tôi, mà là vì dì_ như một con người đã sống qua, đã kinh qua những chuyện tình yêu. Và thật ra, cũng là vì tôi, sau rốt. Để học biết kinh nghiệm của người đi trước ..
Vài ngày sau, tôi kể mẹ tôi nghe cuộc nói chuyện với dì tôi. Mẹ tôi khều tay tôi nói nho nhỏ, vừa nghiêm trang vừa buồn cười .. như sợ Internet nghe lóm :
-Tại ngày xưa dì Túy đâu có ưng ba con, mà ưng bạn ba con. Nhưng ông bạn nọ lại không ưng dì. Ông đó nhỏ con hơn ba con, dáng dấp xứng hợp hơn với dì, lại còn là Hoàng thân Hoàng thích, các Mụ các Mệ, giầu có quan quyền vua chúa. Còn ba con chỉ là một anh nhạc sỹ, con quan thì con, chứ đâu phải là quan. Nên dì đâu có thương ba con..
Thiếu điều và hẳn nhiên mẹ tôi hẳn phải nói, Bởi vậy dì mới ưa tố khổ kể tội, kể đi kể lại những chuyện ngày xưa không đáng chi ..
Nhưng còn bố tôi, ông có yêu di không ?Nếu có, thì ông có đau khổ không với một người đàn bà không yêu mình ?
Trên chuyến hành trình về tận quê cha đất mẹ đó, mà tôi gọi là Nam Dao */ Tp viết cùng Tg , tôi nhất quyết đi về thăm cả ngoại lẫn nội, mặc dù hình như mọi người bên ngoại đi theo không mấy hưởng ứng. Làng An Cựu, quê ngoại, sát Thành nội Huế ngày xưa, bây giờ coi như cũng thuộc trong địa phận Huế. Đuờng vào làng cũng vẫn còn lại vài khóm tre xanh cao như ngày xưa, mẹ tôi nói, dù đã bị đốn đi rất nhiều. Có con kinh lạch nhỏ chảy ngang qua làng, mà mẹ tôi và người trong làng vẫn thường ra đó giặt giủ. Nước bây giờ vẫn trong, vẫn trôi chảy và người ta vẫn có thể giặt giủ, tắm rửa. Con đường làng vẫn đắp đất khô hồng, nhà nào cũng có một khoảnh sân vườn trước nhà rộng rãi, với hàng dậu xanh hay nan tre kết lại những hàng rào ngã nghiêng, bé nhỏ mộc mạc vẻ ngô nghê. Luôn luôn có một tấm bình phong ba bảng cao như một đầu người, bằng vách vôi gạch hay kết bằng nan tre dầy để trong sân ngay trước cửa nhà. Chừng như đó là một vật tượng trưng cho cái tinh thần kín đáo tư riêng của mỗi gia tộc, gia đình Huế; mà không mở ra tách bạch hết như cửa nhà của người miền Nam, hay then cài kỹ lưỡng của nhà người Bắc (?). Cổng nhà người Huế, ai cũng có thể đẩy cửa bước vào; nhưng tất cả mọi người đều phải hiểu lệ luật không thành văn của bức bình phong trong sân, trước cửa chính nhà là ‘’đèn nhà ai nấy rạng’’dù cửa lại vẫn cứ mở toang để đón khách.
MT July 2007_Thủ Tướng VVK Dick Luggar : Điều đó cũng có nghĩa là người trong nhà thì phải đóng cửa dạy nhau.
Ngôi nhà An Cựu của Ôn Mệ ngoại tôi ở ngày xưa cũng vẫn chẳng có gì thay đổi , mẹ tôi nói. Từ ngôi nhà cũ kỹ cho tới khu vườn rộng. Khu vườn không um tùm xanh đậm những tàng cây đen âm u như người ta vẫn thường thấy; mà trái lại rất thoáng sáng với cây cao xanh nhạt mà vẫn mát những khoảng nắng nhàn nhạt chiếu từng vạt loang lổ xen kẽ bóng râm. Cậu Tân và mẹ tôi có vẻ xúc động rão bước tới lui từ vườn vô nhà rồi từ nhà ra vườn, săm soi như những người khảo cổ; trong khi dì Túy chẳng thấy đâu vì còn bận chuyện vãn hàng xóm. Trong nhà không thấy một ai, mà cả thôn xóm cũng vắng hoe, tĩnh lặng như không người ở. Đang đứng một mình trong khu vườn nắng xế trưa hanh hao, cúi nhìn một khoảnh mặt đất như cát vàng khô như sạch sẽ như nhẹ hẫng trong ánh nắng, nhìn quanh mọi cây cao thanh mảnh xanh nhạt chung quanh khu vưòn, rồi ngẩn nhìn lên tận những ngọn cây cao bầu trời thanh thanh khum tròn, chợt một tiếng gà trưa gáy lên trong cái tĩnh lặng thanh vắng lạ lùng đó làm tim tôi rúng động bồi hồi. Chỉ còn thiếu một lời mẹ ru con u ơ quanh đây, còn thì câu nhạc hát ‘’Vườn xưa vẫn có tiếng me ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong tiếng gà trưa’’ đã trở thành một cảm nhận có thực tại chứng cớ rõ rệt. Vẫn đứng ỳ ra giữa khu vườn nắng, tôi nghĩ đến không gian của những buổi tối, buổi khuya ở đây. Chắc hẳn khu vườn này cũng lại nhẹ nhàng đẹp và thơm như bài hát Dạ lai hương, có câu ‘’Lung linh trăng lại về nữa ‘’_chữ ‘’nữa’’ nghe như thể trăng đùa cợt không muốn rời bỏ đi vì khu vườn này thật quá nên thơ; như mặt trời bây giờ cũng đang lung linh trên cao qua những đọt cây dịu dàng.
Rão bước vào nhà tìm mẹ tôi, tôi cảm động muốn nói với mẹ tôi, muốn mẹ tôi xác nhận thêm một lần nữa rằng, trong ngôi nhà này, khu vườn này, bố tôi đã từng sống, từng thở, từng yêu thương vui buồn, xúc cảm rung động .. Cũng như những câu chuyện kể ngày xưa, mẹ tôi hay kể rằng bài hát nổi tiếng Tiếng Đàn Tôi đã được viết lên trong ngôi nhà An Cựu khi Phạm Duy đến viếng ở chơi với bộ ba bố mẹ và dì tôi một thời gian dài như những bạn tri kỷ âm nhạc.
Hết An Cựu quê ngoại, tôi nhất quyết phải lội về quê nội ở làng Mẫu tài, đoạn sông Hương mở rộng ra chảy xiết đổ ra cửa bể Thuận An. Dì Túy có vẻ xao xuyến trước quyết định đó của tôi, không cản cũng không tháp tùng, nhưng nại cớ trời sắp đổ cơn giông để ngồi lại trên xe chờ với các chị họ con dì. Con đường vào làng bùn xình trơn trợt muốn té bao lần. Phải níu cả vào những hàng rào nhà người ta mới gượng đứng lại được. Một nhánh sông Hương chảy song song bên phía mặt con đường làng. Làng Mẫu Tài không khang trang bằng làng An Cựu, mặc dù cũng vẫn nhà tranh phên nứa, hàng rào tre thô sơ hay bờ dậu xanh um, những bụi tre làng và tấm bình phong muôn thuở của xứ Huế.
Huế vừa qua một cơn lụt lội trước Tết tây, nên vẫn có những làng như làng Mẫu Tài còn ngập nước lũ chưa rút hết. Một con đưòng khác vào làng thì đi bọc qua ruộng đồng, bao quanh một nghĩa địa chung của nhiều làng quanh đó, cũng vẫn phải lội bùn trơn ướt. Mồ mã xây to như lăng tẩm, khá đẹp đẽ đặc thù, cổ xưa.
Tối đó tôi ngủ lại, có mẹ tôi, trong ngôi nhà gạch duy nhất trong làng của một người họ hàng rất gần trong gia tộc họ Trần.
Trong ánh đèn điện trắng xám mờ nhạt, người cháu họ của bố tôi lấy ra quyển sổ chép nháp những tên con cháu trong gia phả thuộc giòng họ để mẹ tôi bổ túc những tên tuổi, rồi sẽ chép lại vào một quyển khổ lớn nặng hơn, kỹ luỡng hơn mà giòng cả đang giữ.
Để mẹ tôi nói chuyện, tôi lật quyển vở nháp tìm chi phả của bố tôi. Quyển sổ này đã ghi chép chi phả Trần Thế Diễn, là ông nội tôi và vợ là Phan thị Lắm, bà nôi tôi; ngừng ở ngang hàng anh chị em gái dù khác mẹ của bố tôi và con cái của họ. Còn riêng tên Trần Xuân Mưu của bố tôi có ghi năm sinh năm chết, thì chỉ vỏn vẹn ghép với tên Trần Thị Túy của dì tôi với năm sinh. Không có bất cứ tên một đứa con nào của hàng anh chị em của tôi. Vậy là, sự ghi chép chi nhánh bố tôi đã ngừng lại từ một thời buổi rất xa xưa, khi dì tôi mới lấy bố tôi, có lẽ.
Hỏi mượn cây bút tôi lẳng lặng ghi chép cho chi nhánh bố tôi : Gạch bỏ tên họ dì tôi, tôi viết xuống ‘’ đã ly dị, đã tái hôn’’. Viết thay vào đó là tên họ mẹ tôi, ngày tháng sinh đẻ, địa chỉ. Rồi tôi viết tất cả 9 tên tuổi của hàng anh chị em tôi cùng tên chồng vợ con cái của mỗi đứa. Chị Bích vẫn là ‘’trưởng nữ’’, con cả của bố tôi. Anh Thế tôi ghi ‘’nghĩa nam’’. Đến chị Kiều, tự dưng ngòi bút tôi ghi xuống ‘’nghĩa dưỡng nữ’’. Không hiểu tại sao hay mơ hồ cảm nhận một điều gì đó tự tôi chưa cắt nghĩa được với chính tôi khi viết xuống điều đó, huống hồ cắt nghĩa với mọi người và nhất là với chị Kiều. Cũng may chị Kiều thuộc loại người luôn luôn bận rộn với đời sống để chẳng bao giờ mò tới làng Mẫu tài này mà coi gia phả họ Trần, để có thể nổi giận, nhất là khi chị Kiều hầu như là người duy nhất trong tất cả bọn con cái chúng tôi còn thờ tự giỗ chạp bố tôi nghiêm túc. Còn lại 6 đứa sau là con ‘’thứ nữ, thứ nam’’.
Đêm Mẫu tài cũng khá rét lạnh. Bước ra sân vườn trước nhà nửa khuya, để chụp bắt được những lùm tre đen in bóng vào bức tường trắng với hình dạng những chiếc lá tre dài như tranh vẽ bằng nghiên mực đen của Tàu. Vừa thanh mảnh vừa mạnh mẽ. Sương khói sông Hương chảy một nhánh rẻ nhỏ ngay trước nhà cũng phát tỏa mơ hồ lãng đãng. Huế đẹp một cách thanh cảnh buồn làm tâm hồn người ta cũng dễ mơ mộng trữ tình.
Buổi sáng mai khi mặt trời vừa lên, tôi đánh một vòng trong làng. Đi từ thôn thượng xuống thôn hạ, rồi thôn Cấn qua thôn Đoài. Gõ cửa bước vào làm quen một nhà có tiếng đàn sáo cổ truyền VN phát ra trong cái yên tịnh của thôn làng nghe vang như một loại âm nhạc xa vắng. Trong nhà gần như trống trơn nhưng đàn sáo treo đầy đẹp đẽ, có vẻ đồ cổ quí giá. Họ sống rất thanh đạm nhưng là nghệ sỹ của đất thần kinh mấy đời truyền nghề, chơi nhạc trong Cung Nội và bây giờ thì chơi trong những dịp lễ lạc đặc thù dân tộc, hoặc trên những chuyến đò sông Hương cuối tuần khi có ai mượn. Nhìn những nhạc cụ lạ lùng và cũng đẹp lạ lùng trong cái nét Đông phương mỏng manh, đơn giản mà bí hiểm của chúng, chợt tôi thấy mình như có thể, hoặc khởi sự hiểu được một khía cạnh tâm hồn và mường tượng ra được dáng vẻ con người của bố tôi.
Từ giã họ đi về, tôi cúi đầu đi như mặc niệm một điều gì mà tôi cũng không rõ suốt một quãng vắng trong làng. Một điều gì đó tuôn chảy từ phong khí trong những làng mạc của xứ Huế này, qua bố mẹ tôi, rơi đến mình. Rồi sẽ tiếp tục rơi trên con cháu không ? Đời này qua đời nọ ..
Đi loanh quanh rồi cũng đưa chân đến nhà Từ đường của giòng cả có giữ quyển gia phả lớn. Mẹ tôi kể, cũng như một vài người lớn tuổi bên nội của tôi đã từng kể, ngang cấp thứ của đời ông nội tôi, thì giòng họ Trần có 4 anh em. Được coi như là tứ quy và cực kỳ phát mã, nên cả 4 anh em đều làm quan to trong triều đình Huế đến chức phẩm gọi là Hường Lô Tứ Khanh, 4 cột trụ chính trong Triều đình Huế sau Quan Đại thần, được tiền hô hậu ủng, có quyền hô-sát tiền trảm hậu tấu. Ông nội tôi là em út trong tất cả, gọi là quan Thị Diễn gì đó, */ Cách gọi kính cẩn như “Sa Majesté” giữa quan vua của Pháp chứ không phải “Thị” là đàn bà. tức là chức quan phẩm chuyên giữ việc khai phá công chánh, thiết lập những thành phố làng mạc mới rồi đặt những quy củ luật lệ cho di dân.
Chương 7 bis.
Chung một ông Cố nội với chúng tôi, ông Nội của chị Hồng gọi là quan Thị Độc, là ông anh lớn nhất và làm quan to nhất trong 4 người anh em phát quan tước làm rạng rỡ giòng họ Trần của làng MẫuTài. Ôn Thị Độc rất có uy với các em trai, nhưng lại thân cận hơn hết với người em út là Ôn Thị Diễn là ông nội tôi; bởi vậy bố chị Hồng gọi là Bác Nghè Trạm, cũng đi lại thân thiết với bố tôi nên chị Hồng cũng có những kỷ niệm ngày trẻ về bố tôi vì chị với bố tôi cũng không chênh lệch tuổi tác chi mấy.
Năm tôi 14-15 tuổi, tình cờ mẹ tôi gặp lại người đàn bà cao lớn đó, chỉ mới vừa 50, lớn hơn mẹ tôi vài tuổi. Chính chị Hồng là người nhận ra mẹ tôi trên đưòng phố nhộn nhịp của Saigon, kêu gọi mừng rỡ, nhận thiếm nhận cháu. Chị sống độc thân, làm ăn khấm khá, còn các em gái chị cũng học hành đổ đạt, toàn lấy chồng trí thức, chức tưóc của miền Nam VN. Người là Giáo sư đại học, người thì Thứ trưởng Văn hóa Thông tin, nên chị rất tin vào mồ mã kết phát để tự nguyện đứng ra khứng lãnh chuyện thờ tự gia phả ở làng mạc quê cha đất tổ.
Khi chị tới nhà chơi lần đầu tiên, nghe chị hỏi thăm về ‘’Mợ Lớn’’_mà qua câu chuyện họ nói rồi tôi mới hiểu ra chị gọi dì tôi, thì tôi ngạc nhiên hết sức, nhìn chị đăm đăm đến không đừng được.
Tôi thấy mẹ tôi như lúng túng khi trả lời. Rồi tôi thấy chị như một người thượng cổ từ một thế giới nào khác đã quá xa xưa trở về, như không thật. Còn cõi chết mà bố tôi đang ở yên trong đó bây giờ, trong sự quên lãng của đời sống, thì cũng đã là quá xa xăm; rồi trước đó nữa, khi lội ngược giòng thời gian của những câu chuyện không dứt, kể đi kể lại là những ghen tuông thù oán, ray rứt buông bỏ của người lớn; huống hồ lại còn là thời kỳ trước đó nữa của họ, như vợ chồng đầm thấm để có chức vị trong họ hàng, Mợ lớn_thì quả thật như ở một cõi đời nào không hiện hữu nữa.
Có lẽ tại tôi nhìn lộ liễu kỳ quái, nên chị đột nhiên cười nói với tôi, với cả chị em tôi :
-Chị cũng có gặp, có biết Má Lớn của mấy em chứ. Có khi biết còn hơn biết Mạ của các em. Tại ngày nớ, ba mấy em có dẫn Má Lớn về trình diện với tất cả họ hàng bên nội lúc Má Lớn mô mới có 16 tuổi, còn đương dại chết đi, lúc nớ là đám tang Ôn Thị Diễn. Ba mấy em cũng 26-27 tuổi khi nớ, hơn chị mô chừng 16-17 tuổi. Chú sinh năm mô, thiếm hè ?
-Chú là tuổi Mậu dần. Còn chị thì tuổi chi ?
-Rứa chú hơn cháu 9 tuổi. Cháu sinh 1923.
Nếu chị Hồng đã là vai cô, dì, mợ, thiếm cho chúng tôi thì có lẽ đã ít làm tôi thắc mắc tò mò. Đằng này chị lại vai chị, tức là cháu họ của bố tôi mà chị lại rành rẽ về một thời tuổi trẻ của bố tôi trong khi chị em tôi thì chẳng biết chút gì ngay cả giòng tộc, thân thế .. Như thể cũng có một chuyện gì kỳ khôi, một điều gì không nên không phải .. của một người nào đó nữa, chứ không phải là hay chỉ là của chị em tôi ..
Có lẽ ngay sau đó, hoặc một dịp nào khác nữa sau đó, mẹ tôi nói về sự liên hệ giữa bác Nghè Trạm, bố chị Hồng với bố tôi.
Vì kính nể ông ngoại tôi cứ lo âu theo con gái đầu lòng làm gương cho một đàn em dại mà cứ hư hỏng thì cuộc đời sẽ không ra gì nếu không có lễ giáo cột buộc cho bớt luông tuồng, bố tôi mới quyết định xin ông Nội tôi đi cưới hỏi dì. Ai ngờ Ông Nội hẹn về Huế rồi sẽ tiến hành chuyện cưới hỏi thì ngã lăn đùng ra chết.. Ông ngoại tôi cũng đành đồng y đám cưới chạy tang, và vì thế Bố tôi mới dẫn dì về trình diện ba ông Bác quan to, xin họ đứng cưới xin. Ông nào cũng vén rèm đi ra nhìn rồi bỏ đi vào, không nói một tiếng. Bố tôi hiểu là họ không chịu nhưng cũng không có cách gì thuyết phục họ, nên đành quay qua nhờ ông anh họ là bố chị Hồng, khi đó làm Quan Nghè, đứng chủ hôn để làm đám cưới nhỏ. Vì vậy họ mới có một thời gian đi lại thân thiết với nhau. Chẳng ngờ tới phiên ông Nghè cũng từ chối, lấy cớ dì còn nhỏ quá, chờ hết tang hẳn hay, làm bố tôi giận đến từ họ từ hàng..
MT July07: Lại thêm một chuyện lăng nhăng của dì Túy. Cua luôn ông Nghè để ra điều mình đã lớn ..
Mẹ tôi nói tại cái số dì không được hưởng lễ nghĩa, chứ Bố tôi đã cố hết sức mình.
Chương 8.
Trên chuyến hành trình Nam dao ra Huế chúng tôi ghé lại Quy Nhơn một tối. Buổi sáng hôm sau mẹ tôi dẫn cho tới gặp các cô em cùng cha khác mẹ với bố tôi mà cả một đời sống ở VN có những người tôi chưa từng gặp mặt. Sau những chào hỏi, họ dẫn cho đi thăm mộ gần đó.
Mã mồ ông nội tôi và bà vợ sau được xây cất to lớn và đặt cạnh nhau, cùng với một hai mã con cháu khác, nhưng không thấy phần mộ bà nội tôi. Trong lúc mẹ tôi lăng xăng đi theo họ hàng để thắp nhang các phần mộ khác, tôi ngồi ngáo ra nhìn dì Túy đứng thắp nhang ở mộ ông Nội tôi.
Đã có một sự tranh giành nhất định không thua cho đến tận cõi chết. Hình như khi một người này đã từng lầm lỗi với một người kia thì đến chết cũng cứ mắc lỗi với. Ông nội tôi đã có lỗi phụ bạc bà Nội tôi ngày còn sống khi để vướng mắc vào bà vợ sau; bây giờ chết rồi lại vẫn tiếp tục vướng lỗi lầm khác với bà ?Và bà vợ sau thì cứ nhất định giành từ cõi sống cho đến tận cõi chết ! Bởi vậy tôi thấy thương cảm cho bà Nội tôi không phải vì là bà Nội tôi mà như là thương cho thân phận đàn bà bị thua thiệt cho đế tận cõi chết. Rồi bây giờ không biết phần mộ nằm lạnh lẽo ở đâu ? Bởi vậy tôi không thèm thắp dù cho một nén nhang cho bất cứ phần mộ nào ở đây bây giờ.
Dì Túy có vẻ xao xuyến đứng khấn thật lâu. Rồi dì bảo với tôi :
-Bây giờ không còn là con dâu nhưng ngày xưa đã từng có lần súyt là. Năm dì 16 tuổi, ông Nội con đã đồng y chịu đi hỏi cưới dì cho ba con. Khi đó ông Nội con đang làm quan ở đây, hẹn ra Huế rồi sẽ đi cưới. Ai ngờ vừa về Huế, ông Nội con tự nhiên ngã bệnh rồi lăn đùng ra chết, bất đắc kỳ tử nên mọi chuyện bị ngưng lại hết .. Dì khi đó còn quá dại, ăn chưa biết no lo chưa biết gói, nghe nói phải đến trình diện với giòng họ bên nội của ba con ngày đám ma ông Nội con thì cũng lo, nhưng không biết làm gì hơn, lo thì lo cũng phải đi tới trình diện. Ba con dẫn đến nhà Từ đường, đông nghẹt cả người, rồi dẫn vào nhà bếp để đó dặn thấy ai làm cái chi thì làm cái nớ, chờ ba con lên nhà trên trình với mấy ông bác. Đàn bà ở đâu mà túa ra nhìn, đông chi đông lạ, không còn biết chi mô ai với ai. Xin làm cái chi họ cũng không cho, mà bếp núc bánh trái của họ thì đã sẵn sàng đầy đủ khéo léo. Xin rửa cái chén họ cũng không chịu, cứ nói mặt mũi xinh đẹp mà còn nhỏ dại quá ..
Không biết dì có hiểu là khi những người đàn bà trong họ đó từ chối không chịu cho dì làm gì cả có nghĩa là người ta tỏ y không muốn nhận dì là dâu con, không cho chịu tang, huống hồ làm một cái đám cưới chạy tang ? Họ cứ khen mặt mũi xinh đẹp nhưng còn nhỏ dại thì có khác gì bảo “gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao ?”, miệng lưỡi đàn bà mà làm sao tin được !?!
Giọng dì bâng khuâng như có vẻ tiếc rẻ chuyện ngày xưa. Như thể nếu cớ sự đã xẩy ra kiểu khác thì bố tôi đâu có rơi đến tay mẹ tôi (?).
Khi mẹ tôi cùng với họ hàng từ những đám mộ đi trở ra với vẻ hài lòng như dâu con làm xong phận sự, thì dì Túy nói :
-Thắp vừa xong nén nhang cho ông già anh Mưu, tự dưng tôi thấy choáng váng như người bị trúng gió ..
Tôi nghĩ rằng dì Túy cũng đã bị xúc cảm ít nhiều chứ không phải chuyện ngày xưa là quá khứ đóng lại vĩnh viễn không chút âm vang.
Chương 8bis .
Sau 30 tháng 4/ 1975, nhiều người Saigon di tản ra nước ngoài thì có những người ở những tỉnh ngoài miền Trung đổ xô vào Saigon. Trong số đó có Cô Thược, người cô ruột duy nhất của chúng tôi. Cô nhỏ con gầy ốm ở tuổi trên 50, một đôi mắt hiền, khuôn mặt xương dài, thanh như bố tôi và có hai bàn tay thuôn thuôn bé nhỏ nhưng xinh đẹp của một tiểu thư biết suy nghĩ; nếu không muốn nói là bàn tay nghệ sỹ như mọi người truyền tụng trong nhà về đôi bàn tay thuôn dài của bố tôi.
Chưa từng bao giờ gặp cô trước đó nên cô có vẻ rất cảm động khi nhìn chúng tôi để kể chuyện về bà nội. Cô bảo rằng bà Nội chết rất trẻ, năm 23 tuổi. Lấy chồng năm 19 tuổi, sanh bác Thái rồi sanh bố tôi thì ông Nội phải vô Đà Nẵng làm quan. Sợ rừng thiêng nước độc có hại cho hai cháu ngoại, ông Cố là quan to ở triều đình nên giữ lại Huế, không cho con gái theo chồng vô đàng trong. Đến lúc có thai cô, bà nội chờ sinh xong sẽ dọn hẳn vào ở với chồng, chẳng ngờ có một cô Xẩm 15 tuổi, ở dưới chân núi, ngày ngày lên sảnh đường nhà quan quét dọn đem lòng say mê ông nội, cứ lăn vào quyến dụ, dùng bùa ngãi để bắt hồn ông nội. Dán bùa ếm đầy ra trong thư phòng đến nỗi ông nội cũng phải thấy biết, nhưng ông Nội nghe theo Tây học nên không tin thì cha con cô Xẩm dùng ngãi bỏ vào thức ăn nước uống. Đến lúc này, thì ông Nội không cưỡng được nữa, viết thư ra Huế cho vợ bảo rằng làm quan đàng trong vò võ có một mình nên muốn xin cưới một nàng hầu là một cô xẩm cho có bầu bạn. Bà nội viết thư trả lời rằng muốn có nàng hầu thì cũng đồng y nhưng không nói chuyện cưới hỏi và bảo ông Nội ráng chờ cho vài tháng đợi sanh đẻ cho cứng cát xong rồi vợ chồng con cái đoàn tụ. Ông Nội cũng nghe lời, thôi không đi lại với cô Xẩm nữa, hoặc giả có tỵ tẹo thì cũng dấu bà Nội, không đả động gì tới chuyện lấy nàng hầu nữa. Chẳng ngờ khi bà Nội viết thư vào báo tin là vừa sanh xong con gái, thì cô Xẩm đọc được lá thư, cha con cô tự động viết ra một lá thư cho bà Nội, kể lễ sự tình rằng mình cũng đang mang thai, muốn được đi cưới hỏi chính thức. Cô Xẩm kỳ hạn cho bà Nội phải trả lời trong ba ngày, nếu không thấy thư trả lời thì cô ta sẽ tự vẫn cho trọn tình với ông Nội. Khi nhận thư, bà nội mở ra vừa mới đọc vài hàng đã kêu lên “Anh Diễn ! Anh Diễn !” rồi ngã lăn ra ngất xỉu. Họ đã chơi một đòn tâm ly ác độc lẫn chuyện phong khí. Phong long là thời kỳ khi khí huyết của người mới đẻ dậy còn đang yếu ớt để chịu đựng nổi những chuyện tâm ly không vui, bất thường huống hồ ghen tuông. Nhưng họ ngoại của bố tôi thì còn nghĩ rằng cha con cô Xẩm Tàu đã yếm cả bùa độc vào lá thư đó vì bà Nội cứ ngất đi rồi tỉnh dậy là đòi liền người nhà đưa trả thư cho đọc. Nhưng bà nội không đọc mà chỉ cầm cứng lá thư đó trên tay, hai mắt mở trân trân nhìn lên trần nhà, không ăn không uống gì cả. Bên ngoại cho hai con lớn vào lay gọi cũng không nhìn tới, bồng con nhỏ vào đòi cho bú cũng không màng. Nằm luôn ba ngày như thế thì ông Nội từ Đà nẵng về Huế. Vừa bước vào thư phòng, bà Nội đưa mắt nhìn ông Nội rồi chỉ tay đòi lấy chiếc chén cổ quy trên bàn. Ông nội mừng quá tưởng bà Nội hết giận đòi ăn uống lại nên cầm luôn cái tô to đưa cho vợ, miệng nói, “Em muốn ăn gì nói cho anh biết ..” thì bà Nội ói luôn mấy ngụm máu vào chiếc tô, ói tràn ra cả tay áo ông Nội rồi ngã ra chết. Ông Nội khi đó đọc thư cô xẩm viết cho bà Nội mới rõ sự tình, cho là bà Nội ghen mà cắn lưỡi tự vẫn. Rồi ông Nội đã ôm cái áo máu thề độc trước quan tài vợ là cô Xẩm nói láo, nên sẽ không bao giờ dính líu đến cô ta nữa. Nhưng ông Nội đã mắc lời thề độc đó, vì cô Xẩm cuối cùng vẫn đã chiếm giữ được ông Nội, sanh đẻ đến 6-7 lần con đùm đề.
Mới nghe chuyện thấy bà Nội đáng trách, sao mà ghen quá, đến độ quên cả trách nhiệm làm mẹ trên những đứa trẻ con, huống hồ có người mới sanh cần sữa mẹ. Hèn gì hai gò má bà nội nhô lên. Hèn gì cô Thược thiếu sữa mẹ nên không được cao lớn như cha mẹ mình, như các anh cô ?Nhưng dễ gì mà cắn lưỡi ! Mới lỡ cắn nhẹ đụng vào lưỡi cũng đủ ngất xỉu vì đau, làm sao mà có thể ói ra 3 ngụm máu rồi mới chết ? Vậy chẳng lẽ có chuyện bùa chú như gia đình bên ngoại của bố tôi đặt giả thuyết với cái kỳ hạn 3 ngày phải chết ?!? Thay vì cô Xẩm chết thì bà nội tôi chết ?!!
Kamy Intenet World : Chuyện tâm linh huyền bí khó giải thích, nhưng bên ngoại của bố tôi luôn luôn dặn dò mẹ tôi là phải coi chừng đám con gái của bố tôi có thể cũng bị mắc bùa chú ám hại của cha con cô Xẩm nên thường có chuyện không hay hoặc không may vào năm 23 tuổi_tuổi bà nội tôi chết, vì lời nguyền có thể ảnh hưởng tới 3 đời. Bố tôi tự dưng ung thư chết năm 46 tuổi. Cô em út vượt biển mất tích năm 23 tuổi. Chị em gái tôi có những đứa con đầu không nằm trong dự định cũng vào tuổi 23..
|